Bãi đỗ xe gầm cầu vượt: Sản phẩm của áp lực giao thông
Áp lực giao thông đã khiến các gầm cầu trở thành bãi đỗ xe "hợp lệ". Tuy nhiên, tính về lâu dài, còn rất nhiều việc phải bàn...
- Đầu tư xây bãi đỗ xe: 120 năm mới thu được vốn?
- Hà Nội đầu tư xây dựng nhiều bãi đỗ xe tĩnh
- Người dân Hà Nội loay hoay... tìm chỗ đỗ xe
Hà Nội đang thiếu trầm trọng các bãi đỗ, điểm đỗ xe công cộng. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, thành phố đã quyết định cấm trông giữ xe trên 267 tuyến phố, nhằm hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông. Nhu cầu đỗ, gửi xe ngày càng “nóng” hơn trước tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân.
Đắc dụng trông giữ xe gầm cầu
Không phải đợi đến khi thành phố Hà Nội có quyết định cấm trông, giữ xe trên nhiều tuyến phố thì gầm cầu vượt, gầm cầu cạn tại các cửa ngõ của Thủ đô mới xuất hiện những bãi gửi xe. Đã từ nhiều năm nay, việc tận dụng không gian gầm cầu làm điểm trông giữ xe được xem như giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết bài toán khan hiếm bãi đỗ, gửi xe.
Điểm trông giữ xe là hình ảnh thường thấy dưới gầm cầu vượt. |
Rất dễ có thể nhận thấy, trong số 6 cây cầu vượt khu vực nội thành hiện nay, gầm cầu đã và đang được các đơn vị như Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội), Hợp tác xã Thành Công… rào kín bằng khung lưới sắt, quây thành các điểm trông giữ xe khá chắc chắn, bên trong xếp chật kín xe máy, ô tô.
Qua thực tế quan sát, mỗi gầm cầu khi được tận dụng làm điểm trông giữ xe có thể chứa được khoảng 30 ôtô và 200 xe gắn máy. Ngoài số xe “tĩnh”, mỗi ngày có hàng chục lượt xe ôtô và hàng trăm xe gắn máy tấp nập ra vào. Đặc biệt khi cuối ngày, những điểm trông giữ xe này không còn một chỗ trống.
Mặc dù được quy định, cấp phép là điểm trông giữ xe công cộng, nhưng hầu hết các bãi gửi xe dưới gầm cầu vượt vừa thiếu vừa yếu trong công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn, phòng chống cháy nổ - điều tối cần thiết cho bất cứ điểm trông giữ xe. Tình trạng thiếu phương tiện phòng cháy, chữa cháy; hệ thống điện nước không đảm bảo là hiểm họa khôn lường trong môi trường dễ cháy nổ, nếu như không được các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, kiểm sát.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo tính mỹ quan cũng chưa được các đơn vị quan tâm sâu sát. Cabin làm việc của nhân viên cũ bẩn, biển báo, biển hiệu xộc xệch, nhom nhem và cẩu thả. Những biển quảng cáo trái phép vẫn ngang nhiên xuất hiện tại nhiều điểm trông giữ xe. Và dù được coi là bãi đỗ xe “có mái che”, nhưng những chiếc xe gửi nơi đây luôn trong tình trạng bụi bẩn bởi sự “thông thoáng” với môi trường: khói bụi, nắng mưa vẫn dễ dàng xâm nhập.
Sản phẩm của áp lực giao thông
Gần 1 năm trước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT kí ngày 18/5/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thông tư quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…”. Như vậy, nếu dựa trên cơ sở này, việc xây dựng điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt là hoàn toàn trái với quy định.
Bãi giữ xe tuềnh toàng, kiêm thêm dịch vụ làm mất mỹ quan đô thị. |
Tuy nhiên, đứng trước tình hình thực tế, khi nhu cầu dừng đỗ và gửi xe của người dân Thủ đô là rất lớn, trong khi số lượng các bãi, điểm đỗ trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh bến bãi làm nơi trông giữ xe. Thành phố Hà Nội giao cho Sở GTVT cấp giấy phép hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm/lần cấp phép.
Chủ trương sử dụng không gian dưới gầm cầu cho việc giữ xe của thành phố Hà Nội đề ra được cho là khả quan. Nhưng nếu tính về lâu dài, mặc nhiên biến gầm cầu thành bãi đỗ xe mà không có kết hợp với các công trình phụ trợ nào khác sẽ gây ra sự bất hợp lý về mật độ, vị trí và khoảng cách các điểm đỗ xe, cản trở việc lưu thông phương tiện, không đảm bảo hài hòa lợi ích sử dụng cũng như tính thẩm mỹ của mỗi cây cầu vượt.
Không gian mở từ những gầm cầu
Để quy hoạch khoa học và dần hạn chế từng bước các bãi đỗ xe dưới gầm cầu vượt, trong năm 2012, Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển giao thông tĩnh, xã hội hoá đầu tư các bến, dự kiến xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô, áp dụng công nghệ tiên tiến thế giới.
Dự thảo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội (giai đoạn 2011-2015) của Sở GTVT cũng ưu tiên cho việc dành quỹ đất xây dựng các bến, bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, tại các điểm trung chuyển, các nút giao thông đầu mối và phát triển giao thông tĩnh.
Sắp tới đây, khi Hà Nội sẽ hoàn thành thêm nhiều cầu vượt, đường cao tốc trên cao, đường sắt trên cao… với không gian rộng lớn của gầm cầu, gầm đường này nếu không được quản lý bài bản, chỉ dành để làm bãi gửi xe sẽ tạo nên môi trường không lành mạnh, bẩn thỉu, ẩm thấp, mất vệ sinh… khiến các gầm cầu vượt trở thành những điểm đen, phá vỡ không gian cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Cầu vượt giao thông là công cụ hữu hiệu, có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc, phân luồng di chuyển các phương tiện tại các nút giao thông. Tuy nhiên, việc điều tiết công năng, xử lý cảnh quan dưới gầm cầu vượt cũng có tác dụng tích cực để giải quyết công tác quản lý xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh đô thị.
Không gian gầm cầu vượt có quy hoạch, tổ chức phân khu cảnh quan, chức năng hợp lý như các không gian mở, không gian xanh, vườn hoa, mặt nước, khu dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi thư giãn kết hợp các bãi đỗ xe… chính là một giải pháp thiết thực, hữu hiệu và nhân văn mà người dân mong chờ từ các nhà quản lý./.