Bàn cách sống chung với động đất ở Sông Tranh 2
(VOV) -Nhiều giải pháp để theo dõi động đất, thấm nước thân đập Sông Tranh 2 đưa ra tại cuộc họp tại Hà Nội về vấn đề này.
Sáng 3/10, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức họp Hội đồng Khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề án tư vấn, phản biện ‘Đánh giá tình hình hoạt động động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiên tai’.
Báo cáo mở đầu đề án, GS Cao Đình Triều – Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam nói: Khi thực hiện đề án này, ông cũng không ngờ, vấn đề Sông Tranh lại nóng như bây giờ. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, tại khu vực của công trình thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất – được xác định là động đất kích thích.
Theo nghiên cứu của GS Triều, động đất ở khu vực này xuất hiện sau khi đập Sông Tranh tích nước vào tháng 12/2010 và nhà máy đi vào hoạt động. Hiện tượng động đất này được lý giải là động đất kích thích.
Chấn động cấp 6 đo được vào tháng 11/2011 tại khu vực Bắc Trà My và vùng lân cận |
Hiện tượng động đất kích thích được hiểu là những hoạt động xảy ra liên quan với các hoạt động của con người. Một số hoạt động phổ biến dẫn đến kích thích động đất xảy ra là do: Việc nổ của các vụ nổ lớn xảy ra trong lòng đất, sự tích nước tại các đập cao như đập chứa nước thủy lợi hay thủy điện, sự bơm chất lỏng vào đất đá ở dưới sâu, sự tháo nước từ các thành tạo chứa nước gần mặt đất hoặc trên mặt, khai thác hầm lò trong các mỏ.
Lý giải cho hiện tượng này, GS Triều cho biết, việc các công trình đập nước bị ảnh hưởng bởi động đất kích thích là hiện tượng chung trên thế giới. Theo thống kê, sự cố đập nước nói chung trên thế giới được ghi nhận với tỷ lệ 1% (36.000 đập được xây dựng đến năm 1973 có 300 đập gặp sự cố). Như đập Kariba ở biên giới Zambia – Zimbabwe, đập Kremasta (Hy Lạp), đập Koyna (Ấn Độ), đập Srinagarind ở Thái Lan…
Đập Koyna (Ấn Độ), một trong những vùng địa chất ổn định và không sinh chấn. Cho đến khi tích nước hồ chứa, không có một bằng chứng nào về các trận động đất mạnh ở lân cận đập Koyna.
Sau khi tích nước được bắt đầu vào năm 1962, các rung động vừa, kèm theo tiếng động giống như tiếng sấm bắt đầu phổ biến, tần suất của chúng và cấp độ mạnh tăng lên từ giữa những năm 1963 trở đi.
Trận động đất ngày 10/12/1967 xảy ra trong vùng hồ, tạo ra cột nước cao làm tràn đập, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Dẫn lời GS Seiji Otake – nguyên Giám đốc nghiên cứu về động đất của Trung tâm Quốc gia Phòng tránh Thiên tai Nhật Bản, GS Triều cho biết: “90% xác xuất là các hoạt động địa chấn gia tăng ở vùng có những cao đập cao hơn 100m”.
Đối với công trình thủy điện Sông Tranh 2, từ tháng 8/2011 đến tháng 5/2012, hệ thống mạng lưới trạm địa chấn Vật lý Địa cầu đã quan trắc được 10 động đất có cấp độ mạnh từ 2- 4 độ richter.
Do không có hệ thống quan trắc gần, chỉ có trạm Huế và trạm Bình Định ghi nhận được các động đất này. Với số lượng ít trạm ghi được nên vị trí chấn tâm động đất được xác định là kém chính xác.
Theo GS Cao Đình Triều, động đất ở Sông Tranh là loại động đất hồ chứa phản ứng nhanh, có biểu hiện dồn dập, theo từng đợt, đợt sau có xu thế tăng về tần suất lặp lại và cấp độ mạnh. Và có biểu hiện khá giống với đập Koyna của Ấn Độ.
Nguyên nhân được GS Cao Đình Triều đưa ra là do công trình thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi hoạt động của đớt đứt gãy gấp 2 Trà My. Và đới đứt gãy này tác động trực tiếp tới vùng hồ và đập thủy điện. Hiện tượng tích nước gây nên động đất kích thích sẽ xảy ra dọc theo đới đứt gãy cấp 2 Trà My và một số đoạn đứt gãy cấp 3 trong phạm vi lòng hồ và lân cận.
Động đất cực đại có thể xảy ra trong khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh và kế cận có thể đạt cấp độ mạnh cỡ 6 độ richter và độ sâu chấn tiêu cao nhất là 15km. Đây là đới đứt gãy đang hoạt động vì vậy khi tích nước hồ chứa thì động đất kích thích xảy ra trong phạm vi hoạt động của đứt gãy này là chủ yếu.
Khi hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 được tích nước, tải trọng nước trong hồ chứa sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất rỗng, giảm ma sát trượt tạo điều kiện thuận lợi cho phát sinh động đất kích thích.
Phản biện vấn đề này, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, với lập luận của GS Triều thì việc xây dựng các đập thủy điện trên đới đứt gãy là hiện trạng chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên TS Tứ lại cho rằng, chuyện xây dựng đập như thế nào cũng phải đánh giá kỹ, chuyện xây đập ở nơi có nhiều điểm đứt gãy thì cần nên tính toán lại. “Điều quan tâm nhất hiện nay là bài toán về kinh tế và phát triển bền vững”, TS Tứ nói.
TS Nguyễn Văn Túc - Viện công nghệ nước và môi trường cho biết: Theo báo cáo, hồ thủy điện Sông Tranh xuất hiện tích 1000m3 mới xuất hiện động đất, giờ mới tích 700m3 đã xuất hiện rồi. Vậy vấn đề này là gì, hiện chưa có lý giải chưa thấy ai lý giả.
Động đất xảy ra hai đợt, đồng thời với đợt tích nước và rút nước, có nghĩa là nên tiếp tục tích nước thì lại xảy ra. Bởi vậy cần phải có giải pháp dứt điểm.
Đối phó với động đất ở Sông Tranh 2
Trước thực tế về hiện tượng động đất ở Sông Tranh 2, GS Cao Đình Triều kiến nghị, cần tiến hành nghiên cứu động đất kích thích hồ chứa thủy điện và cần thiết lập một mạng trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ.
Cơ chế hoạt động và diễn biến của động đất kích thích hồ chứa là hết sức phức tạp, động đất có thể xảy ra bất kỳ trong quá trình tích nước và điều tiết nước hồ chứa. Trong quá trình tích nước cần theo dõi sát sao diễn biến của hoạt động động đất. Nếu thấy hiện tượng này xảy ra, các trận động đất nhỏ liên tiếp đi kèm việc dâng lên của mực nước hồ thì phải nghĩ ngay tới một trận động đất mạnh hơn có thể sắp xảy ra.
Ngay sau khi tích nước, đập đã có hiện tượng thấm quá mức cho phép. Việc xử lý bề mặt đập bằng cách dán keo trong lúc chưa tích nước để kiểm tra về cường độ là chưa đủ đảm bảo thân đập đã ổn định, cần theo dõi tiếp thân đập.
Đứng về quan điểm an toàn đập thì trong mùa mưa lũ, khi nước lòng hồ dâng lên, cần theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn thân đập và cho người dân ở vùng hạ du.
Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đang sinh sống quanh khu vực lòng hồ thủy điện về động đất và tai biến địa chất khác liên quan. Đây là việc cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc./.