Bàn chính sách về thanh niên xung phong

(VOV) - Sáng 22/9, tại Lâm Đồng, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiến niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ 3.

Phiên họp đã dành nhiều thời gian thảo luận về 3 vấn đề lớn đó là: Dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật xuất Bản sửa đổi; Kết quả hoạt động của Ủy ban từ sau kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 và dự kiến chương trình hoạt động đến hết năm 2012; Kết quả giám sát đối với “việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế xã hội”.

Theo kết quả giám sát của Ủy Ban, riêng chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyên tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế xã hội đang tồn tại nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng cho cựu thành niên xung phong còn rất thấp so với mặt bằng chung, công tác hướng dẫn và giải quyết chế độ, chính sách còn chậm và chưa triệt để.

Chính sách đối với thanh niên xung phong vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.

Việc truy đóng bảo hiểm xã hội cho thanh niên xung phong còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết các chế độ, chính sách khác của Nhà nước vẫn chưa được hưởng theo quy định.

Đối với thanh niên tình nguyện, hiện chưa có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động tình nguyện, chưa có chính sách đối với các trường hợp bị tai nạn thương tích hoặc bị chết khi tham gia các hoạt động tình nguyện có tổ chức ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Nhiều ý kiến thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc tại phiên họp. Ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, đề xuất: “Chế độ cho cựu thanh niên xung phong vẫn còn nhiều hồ sơ tồn tại. Thanh niên xung phong đi tiền trạm kinh tế sau năm 1975 chưa có một nghiên cứu hay một chính sách, chế độ nào. Có quy định là một số vùng nhiễm chất độ hóa học mới được công nhận chế độ chính sách, nhưng trong quá trình kháng chiến có một số nơi không bị nhiễm hóa học nhưng khi đi phục vụ thì bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng hiện chế độ chính sách của nhà nước dành cho lực lượng này chưa có”.

Qua ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy Ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tiếp thu và hoàn thiện các Báo cáo kết quả giám sát đối với 3 vấn đề lớn tại phiên họp để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung vào các văn bản pháp luật sao cho phù hợp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên