Bản mới Tân Biên

Người dân ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu đang đón Tết (bắt đầu từ ngày 24/12/2010) trong không khí vui vẻ và nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm

Cả bản đã tạo ra một diện mạo mới với những dãy nhà ở, công trình dân sinh - văn hóa... mới tinh, bừng sáng cả một góc trời vùng biên ải xa xôi. Đây là công sức và sự nỗ lực của các chiến sĩ biên phòng tỉnh Lai Châu, Đồn Biên phòng 309 và các học viên Học viện Biên phòng từ Hà Nội lên giúp dân dựng nhà, xây bản mới.

Các chiến sĩ quân hàm xanh dựng nhà giúp đồng bào La Hủ

Háo hức dựng nhà

Cùng các chiến sĩ biên phòng xuống thăm bản Tân Biên (tên bản do Đồn Biên phòng 309 đặt với hy vọng bà con La Hủ sớm định canh, định cư ở bản mới), chúng tôi thấy một khung cảnh đẹp như trong tranh.

Từ triền đồi, một con đường đất đỏ đã được san ủi, hạ cấp dẫn xuống 3 dãy nhà vừa mới dựng xong phần khung gỗ, nằm sát cạnh nhau thẳng như đường chỉ kẻ. Tiếng đục đẽo, cưa xẻ, rồi tiếng hô nâng lên, đặt xuống vang rộn ràng khắp nơi.

Trên công trường làm nhà, ngoài các chiến sĩ Đồn Biên phòng 309 còn có sự góp mặt của các sĩ quan biên phòng mới ra trường và các học viên Học viên Biên phòng từ thủ đô Hà Nội lên dựng nhà giúp bà con vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Trong niềm vui cùng các đồng đội tham gia làm nhà giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Tân Biên, Thiếu úy Pờ Gió Hừ cảm thấy vui hơn khi anh là con em của đồng bào La Hủ... “Được tham gia chương trình này là niềm vui, niềm vinh dự lớn, nên có vất vả đến mấy tôi cũng cố gắng hết mình để bà con nơi đây được đón xuân mới trong ngôi nhà đẹp đẽ và khang trang” - anh Hừ vui vẻ nói khi vừa cùng đồng đội dựng xong một căn nhà.

"Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng"

Bình thường, để dựng được căn nhà gỗ 3 gian, rộng chừng 40 - 45m2, mái lợp tôn nơi biên ải xa xôi này phải mất chừng 50 triệu đồng/nhà, song với công sức của bộ đội bỏ ra thì chi phí giảm tới mức tối đa. Hiện tại, tất cả các công việc như: san nền, xẻ gỗ, vận chuyển gỗ về, dựng nhà... đều do các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đảm nhiệm; đơn vị chỉ thuê máy ủi san gạt nền và thợ đục đẽo để đẩy nhanh tiến độ làm nhà, kịp cho bà con ăn Tết, đón năm mới trong căn nhà mới, khang trang và vững chãi.

Vừa vượt qua quãng đường hơn 600km từ Thủ đô Hà Nội lên, chưa kịp nghỉ ngơi, học viên Dương Văn Đức, Học viện Biên phòng đã cùng 17 học viên khác xuống bản bắt tay ngay vào làm việc. Với tinh thần tự nguyện, đoàn học viên Học viện Biên phòng đã vận chuyển được một khối lượng gỗ lớn từ trong rừng về nơi tập kết để tiếp tục dựng thêm nhiều nếp nhà mới cho đồng bào dân tộc ở đây.

Cùng với sự giúp đỡ về công sức, Đoàn công tác Học viện Biên phòng còn mang 70 triệu đồng - được quyên góp từ các cán bộ, học viên của nhà trường, giúp bà con đồng bào La Hủ xây dựng những mái nhà mới.

Bản kiểu mẫu nơi biên cương

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Ty, Đồn trưởng Đồn 309, người La Hủ ở bản Tân Biên mới chuyển về lập bản được hơn 10 năm. Hồi đó, nhà cửa do người dân tự làm nên cái quay ngang, cái quay dọc san sát với nhau không theo một quy hoạch thống nhất. Hệ quả, khi muốn xây dựng công trình nước sạch hay bố trí đường điện, trồng cây tạo cảnh quan đều không thể làm được.

Xuất phát từ thực tế như vậy, Ban Chỉ huy Đồn 309 đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh báo cáo với Huyện ủy, UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) cho phép được chọn Tân Biên là bản kiểu mẫu đầu tiên của xã Pa Ủ với 20 căn nhà 3 cứng: mái cứng, khung cứng, nền cứng, cùng với nhà văn hóa và các công trình hạ tầng đồng bộ: điện, nước sạch, công trình phụ và cây xanh. Khi việc xây dựng bản kiểu mẫu ở Tân Biên thành công, mô hình này sẽ được mở rộng ra các bản khác ở xã Pa ủ, cũng như dọc tuyến biên giới của huyện Mường Tè.

Theo kế hoạch Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu giao cho Đồn 309, trong năm 2010 làm xong 50 nhà đại đoàn kết của 2 bản Tân Biên và Pu Chi. Đến nay, những công việc được giao cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đã bàn giao nhà cho dân vào thời điểm 22/12 - đúng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là thời điểm người La Hủ chuẩn bị ăn Tết, đón năm mới. (Thượng tá Nguyễn Văn Ty, Đồn trưởng Đồn 309)

Ở cái bản các hộ dân đều được ghi vào danh sách hộ nghèo như Tân Biên, những nếp nhà mới luôn là niềm mơ ước. Niềm ước mơ ấy nay đã thành hiện thực, khép lại thời sống du canh, du cư, đắm chìm, quay quắt bên bàn đèn thuốc phiện. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều vào bản Tân Biên cũng như xã Pa Ủ. Đường, trường, trạm… hầu như đã về tới các bản của người La Hủ. Hy vọng, khi về ở nơi bản mới do những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh dựng lên, bà con dân tộc La Hủ sẽ tạo ra một nếp sống văn hóa mới, không còn đói nghèo, nghiện ngập.

Để đón sự kiện toàn dân trong bản về nhà mới, ông Phan Xạ Chô, trưởng bản Tân Biên đã chuẩn bị những gùi sắn trắng tươi, một phần ngâm ủ làm rượu, một phần luộc chín để tiếp các đồng chí cán bộ biên phòng lúc giải lao.

Từ nay, người La Hủ ở Tân Biên sẽ chấm dứt cuộc sống du canh, du cư

“Bà con trong bản sung sướng, vui vẻ vì được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm xây dựng nhà cửa. Nhất là các đồng chí quân hàm xanh đã ủng hộ 1 ngày lương để làm những ngôi nhà này” - ông Chô xúc động nói khi nhận nhà mới. Riêng gia đình ông Chô còn có một niềm vui khác, đó là sự bén duyên của chiến sĩ liên lạc Điều Văn Tương, Đồn Biên phòng 309 với người con gái thứ hai Phan Gạ Pớ. Hai người đã làm lễ ăn hỏi, đám cưới sẽ tổ chức trong nay mai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên