Bàn việc hợp tác mới với nông dân

VOV.VN -Nhà máy chế biến quả và nước hoa quả công nghệ cao Sơn La giúp giải quyết đầu ra cho nông sản của địa phương.

“Trao đổi với bà con, câu hỏi trăn trở nhất vẫn là “trồng cây gì” và “bán đi đâu”. Lãnh đạo một số xã cũng chia sẻ với chúng tôi, bà con nơi đây rất chăm chỉ, chịu khó nhưng vì khó tiếp cận thị trường, doanh nghiệp thu mua còn ít nên khi vận động bà con trồng các loại cây ăn quả khá vất vả. Vì vậy, chúng tôi tới và bàn việc hợp tác với nông dân”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Phi Tín- Giám đốc Dự án, tập đoàn TH tại Lễ Khởi công Nhà máy chế biến quả và nước hoa quả công nghệ cao Sơn La ngày 25/1 vừa qua. Đây cũng là hướng đi mới của tập đoàn đang có đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp.

Phủ đất trống bằng cây ăn quả

“Khi đội Dự án chúng tôi đặt chân lên khảo sát một số vùng đất trồng cây ăn quả  tại tỉnh Sơn  La, chúng tôi nhận thấy khá nhiều vùng đất tiềm năng đang để trống. Ngay tại bản Co Tang, bản Co Chàm xã Lóng Luông- đi vào sâu trong các thung lũng nhỏ hẹp, khá nhiều triền đất dốc vẫn chưa  được khai thác”- ông Phi Tín nhớ lại.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ, toàn huyện có diện tích đất nông nghiệp 63.841 ha, trong đó diện tích chưa sử dụng còn rất lớn, lên tới 31.272 ha.

Anh Tráng A Cao- một nông dân sáng tạo, chăm chỉ chia sẻ, gia đình anh có 5 ha đất đồi. Trước kia anh để trống khá nhiều đất. Từ khi trên địa bàn có một vài doanh nghiệp chế biến, anh đã tập trung trồng cây ăn quả trên toàn bộ diện tích đất đó.

Lễ Khởi công nhà máy chế biến quả và nước hoa quả Sơn La của tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, giai đoạn 1 đầu tư 300 tỷ đồng

“Sổ sách” ghi chép của anh là một tờ giấy bìa đơn giản ghi số cây cam, bưởi, chanh, chanh leo mà gia đình anh đang trồng. Anh chia sẻ: “Vụ vừa rồi tôi trồng 2ha chanh leo, thu hoạch 1 vụ được hơn 100 triệu đồng. Nếu có đầu ra, có thu nhập, không cần vận động bà con cũng sẽ khai phá đất để trồng. Nhưng chúng tôi chỉ lo mở rộng diện tích mà không có nơi tiêu thụ thì khó lắm”.

Lắng nghe niềm trăn trở ấy, với sự tư vấn, dẫn đạo của nhà sáng lập tập đoàn, Nhà máy chế biến quả và nước uống hoa quả công nghệ cao của TH đã thành hình- giải quyết bài toán tìm thị trường và đầu ra cho bà con, đồng thời cho ra mắt thị trường những sản phẩm nước uống hoa quả hoàn toàn từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe cộng đồng. Dự án này cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của UBND tỉnh Sơn La, UBND huyện Vân Hồ trong việc tiến hành các thủ tục, thể hiện quyết tâm cao và cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc thu hút những nhà đầu tư mạnh, nói thật, làm thật

Hợp tác với nông dân như thế nào?

Đó là trăn trở của nhiều nông dân có mặt tại Lễ Khởi công. Họ rất tò mò không biết TH sẽ hợp tác với nông dân như thế nào.

Trên mảnh đất đã được quy hoạch là 4,9ha, tập đoàn TH sẽ  xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây như: Cam, Nhãn, Xoài, Chanh leo, Sơn tra, cho ra đời dòng sản phẩm: Nước nhãn ép, Nước cam cô đặc, Nước chanh leo cô đặc, và đang nghiên cứu để chế biến sản phẩm từ Xoài, Sơn tra.

Phát biểu tại Lễ khởi công, bà Thái Hương- Nhà sáng lập và tư vấn đầu tư cho tập đoàn TH khẳng định: “Doanh nghiệp về không lấy đất đai của bà con mà chỉ liên kết với bà con để sản xuất theo chuỗi sản phẩm mà ở đó doanh nghiệp sẽ yêu cầu hợp tác xã kết nối bà con lại để đưa khoa học công nghệ, khoa học quản trị vào tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội tặng tập đoàn TH bức tranh Bác Hồ về thăm Sơn La

Theo bà Thái Hương, con đường đó có 2 lợi ích, đầu tiên  người tiêu dùng Việt Nam sẽ có những sản phẩm tốt nhất,  thứ 2 là tạo việc làm cho bà con, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn TH làm việc với từng hợp tác xã để sản xuất chuyên canh từng loại hoa quả. Dự kiến từ nay tới đầu năm 2019, tập đoàn TH sẽ hoàn thành việc liên kết với các HTX, triển khai tập huấn kỹ thuật để tạp vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Với tập đoàn TH, đây là hướng đi mới mẻ. Trước đó, tại Dự án sữa TH true Milk, rau sạch FVF, doanh nghiệp này triển khai theo chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn (xây dựng từ trang trại- thu hoạch, sơ chế, xây dựng nhà máy chế biến và chủ động kênh phân phối).

Trong chuỗi khép kín đó, TH hợp tác một phần với nông dân khâu thu mua nguyên liệu. Trong đó đặc biệt Dự án sữa TH true MILK ở Nghĩa Đàn thu mua ngô, cỏ của nông dân với doanh số trung bình từ 80-100 tỷ đồng/năm.

Tại Sơn La, tập đoàn áp dụng cách làm mới liên kết hoàn toàn về mặt nguyên liệu đầu vào với nông dân và đầu tư thông qua HTX. Dù mới mẻ nhưng tập đoàn hoàn toàn tự tin bởi con đường đã được nhà sáng lập chỉ rõ. Bà Thái Hương nhấn mạnh: ”Bằng kinh nghiệm hoạt động và năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp hiểu rõ những quy trình sản xuất phù hợp cùng tiêu chuẩn chất lượng cụ thể với từng loại sản phẩm. Với sự “giúp sức” của doanh nghiệp, HTX không những vượt ra khỏi hạn chế về vị trí địa lý hành chính mà còn nâng cao trình độ nhận thức để góp phần xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao theo xu hướng văn minh nhất: sản xuất hữu cơ”.

Với bà, đó chính là hướng đi bền vững cho phát triển nông nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên