Bảng quảng cáo "tấn công" biển báo giao thông là điều rất tồi tệ
VOV.VN - Việc để bảng quảng cáo xen lẫn, che khuất, thậm chí "tấn công" gây ảnh hưởng tới biển báo giao thông trên đường là điều rất tồi tệ.
Bảng quảng cáo đang “tấn công” biển báo giao thông
Trên đường phố ở Hà Nội, TP HCM không khó để bắt gặp biển báo giao thông bị che khuất bởi nhiều vật thể trong đó, nhiều nhất là các bảng hiệu quảng cáo khiến người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn để nhận biết.
Ông Đoàn Hồng Tư (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc: “Đi đường giờ gặp nhan nhản bảng hiệu quảng cáo lấn chiếm lòng nề đường, thậm chí bây giờ còn tấn công lên cả biển hiệu giao thông. Nhiều nơi, bảng quảng cáo đủ thứ nhạy cảm trên đời ngang nhiên được gắn trên phần biển giao thông trông rất chướng tai gai mắt. Không hiểu những nhà quản lý ở đâu để cho tình trạng này diễn ra, vừa khiến người dân khó nhận biết biển báo, vừa gây mất mỹ quan đô thị”.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, một trong các yêu cầu trong việc lắp đặt biển báo giao thông là biển báo cần được lắp đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất đối với người tham gia giao thông, đảm bảo không bị che khuất bởi cây cối, công trình hoặc các vật cản khác: “Việc biển báo giao thông bị bảng quảng cáo che khuất đã là không chấp nhận được vì có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc để quảng cáo xen lẫn, gây ảnh hưởng tới biển báo giao thông như trong hình còn tồi tệ hơn”.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc để quảng cáo xen lẫn biển báo giao thông tiềm ẩn nhiều mối nguy hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Cụ thể, khi biển báo giao thông bị các bảng quảng cáo xen lẫn, người tham gia giao thông có thể không nhận biết đúng hoặc bị lẫn các thông tin cảnh báo, chỉ dẫn hoặc lệnh cấm, dẫn đến nguy cơ vi phạm luật lệ giao thông và xảy ra tai nạn.
Các bảng quảng cáo sặc sỡ, thu hút sự chú ý có thể khiến người lái xe mất tập trung, lơ là quan sát, dẫn đến nguy cơ va chạm giao thông. Nguy hiểm không kém, như trong hình, ta thấy mầu sác của phần quảng cáo và màu sắc của biển báo giống nhau khiến người lái càng khó nhận biết.
“Khi biển báo giao thông bị xen lẫn, người tham gia giao thông có thể lúng túng, có thể phải thay đổi tốc độ gấp hoặc thực hiện thêm hành vi nào đó để có đủ thời gian nhận diện biển báo, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn giao thông. Việc biển báo giao thông bị che khuất thể hiện sự thiếu quan tâm đến an toàn giao thông của các cá nhân và tổ chức có liên quan, gây bức xúc cho người dân và làm giảm niềm tin vào công tác quản lý giao thông. Việc này không chỉ gây mất an toàn mà còn gây mất mỹ quan đô thị, tạo nên hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn. Có thể gây ô nhiễm thị giác, ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực”, TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Bảng quảng cáo xen lẫn biển báo giao thông có đúng?
TS. Nguyễn Hữu Đức khẳng định: “Căn cứ theo quy định pháp luật, việc đặt quảng cáo xen lẫn biển báo giao thông vi phạm các quy định về vị trí, kích thước và nội dung quảng cáo, có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Việc này cũng vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật giao thông”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như, một số cá nhân và tổ chức vì lợi nhuận mà bất chấp an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, ngang nhiên đặt quảng cáo xen lẫn hay che khuất biển báo giao thông.
Việc quản lý và xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo và giao thông chưa thực sự hiệu quả, tạo "lỗ hổng" cho việc lấn chiếm vị trí biển báo để đặt quảng cáo. Nhu cầu quảng cáo ngày càng cao, dẫn đến tình trạng "tranh giành" vị trí, trong đó có cả vị trí đặt biển báo giao thông. Việc quy hoạch vị trí đặt biển báo giao thông và bảng quảng cáo chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng biển báo bị che khuất bởi các bảng quảng cáo…
Để giải quyết vấn đề này, theo TS. Nguyễn Hữu Đức cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng và người dân: “Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quảng cáo và giao thông, đặc biệt là hành vi để xen lẫn, che khuất biển báo giao thông. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT đã ghi rõ ở Điều 88 rằng: các cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm bảo đảm cho hệ thống báo hiệu trên đường được đầy đủ, thống nhất và rõ ràng…”
Song song với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ biển báo giao thông. Lập quy hoạch vị trí đặt biển báo giao thông và bảng quảng cáo một cách hợp lý, đảm bảo không che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Áp dụng các hình phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe và góp phần phòng ngừa các hành vi này.
“Chỉ khi có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và xây dựng môi trường sống văn minh, an toàn cho cộng đồng”, TS. Nguyễn Hữu Đức khẳng định thêm.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định nghiêm ngặt về việc lắp đặt biển báo giao thông, đảm bảo biển báo không bị các yếu tố khác, bao gồm cả bảng quảng cáo, lấn át, xen lẫn hay che khuất.
Hiện nay, có hai Công ước quốc tế ra đời năm 1968 và Việt Nam đều tham gia từ ngày 20/08/2014: Vienna Convention on Road Signs and Signals (Công ước Viên về (biển) Báo hiệu đường bộ) và Vienne Convention on Road Traffic (Công ước Viên về Giao thông đường bộ). Các nước tham gia bất cứ cái nào trong hai Công ước này đều cam kết rằng: “Tất cả các biến báo hiệu, tín hiệu đèn giao thông và vạch kẻ đường trên lãnh thổ nước mình sẽ tạo thành một hệ thống chặt chẽ và phải được thiết kế và được đặt ở vị trí dễ nhận biết…”
Các hành vi bị cấm như gắn kèm bất kỳ thứ gì lên biển báo, cột đỡ biển báo hoặc thiết bị điều khiển giao thông khác mà không liên quan đến mục đích của biển báo đó…Lắp đặt bảng biểu, thông báo, vạch chỉ, hoặc thiết bị dễ gây nhầm lẫn với biển báo hay thiết bị điều khiển giao thông khác, làm chúng khó thấy và giảm hiệu quả, hoặc làm hoa mắt người tham gia giao thông hoặc làm họ mất tập trung gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông.