"Báo chí đã và đang phát huy vai trò xung kích, dũng cảm xông pha điểm nóng"

VOV.VN - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Thế hệ làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha có mặt ở những điểm nóng thực hiện tốt trách nhiệm sứ mệnh người làm báo cách mạng.

Sáng nay (31/12), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đến dự và chỉ đạo Đại hội có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương và địa phương cùng hơn 500 đại biểu đại diện cho hơn 27.000 hội viên Hội Nhà báo thuộc 63 tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc.

Phát biểu khai mạc Đại hội, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm.

Trong bối cảnh đó, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới phải thu hẹp hoạt động, giảm bớt việc làm do vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn công nghệ, truyền thông khổng lồ, doanh thu quảng cáo giảm sút không chỉ với báo in mà ngay cả phát thanh, truyền hình và báo điện tử, sự thay đổi về hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng cũng tạo ra nhiều thách thức với báo chí chính thống.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, báo chí trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sứ mệnh cao cả, truyền thống vẻ vang của người làm báo, trong gần 1 thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng tập hợp dưới mái nhà chung Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

“Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, ông Lê Quốc Minh nói.

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

“Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Tại Đại hội, nhiều nhà báo cũng gửi đến các tham luận về nhiều vấn đề liên quan đến công tác làm báo, phát triển đội ngũ nhà báo trong bối cảnh mới.

Với tham luận “Coi trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ, giúp hội viên tự tin làm báo đa loại hình, đa nền tảng, đa ngôn ngữ và đa phương tiện”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những Liên chi hội có đông hội viên nhất cả nước, với 940 hội viên sinh hoạt ở 24 chi hội với đủ 4 loại hình báo chí (7 kênh phát thanh, Đài truyền hình Kĩ thuật số VTC với hàng chục kênh; 2 tờ báo điện tử và 1 tờ báo in).

 Trong bối cảnh đó, Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam xác định, hoạt động của Liên chi hội phải hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên, và cao hơn là tạo ra cảm hứng để các nhà báo sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ công chúng. Đây là việc làm không đơn giản với một Liên chi hội có đông hội viên, lại đa dạng loại hình, địa bàn lại trải rộng khắp cả nước và một số nước trên thế giới. Nhưng với nỗ lực và phương châm “hội viên cần gì, chi hội và Liên chi hội đáp ứng” trong những năm qua, Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức được những hoạt động thiết thực, hiệu quả, vui và tạo cảm hứng sáng tạo cho hội viên.

Để làm được công việc này, trước hết, Liên chi hội xác định phải nắm bắt được nhu cầu của hội viên thông qua mạng lưới các chi hội. Hàng năm, Liên chi hội đề nghị các đơn vị báo cáo nhu cầu hoạt động, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ thông qua các báo cáo tổng kết, hoặc phiếu thăm dò, điều tra... Các thành viên ban Thường vụ, Ban Chấp hành cũng gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với một số hội viên, vì vậy Liên chi hội đã nắm bắt được nhu cầu của hội viên các chi hội là:  Giảm các cuộc họp hành vô bổ, báo cáo dài dòng mà tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo chuyên môn và tăng cường giao lưu văn nghệ thể thao, trao đổi nghiệp vụ giữa các đơn vị...

Tham luận về vấn đề “Tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng bằng các chương trình, kế hoạch “đặt hàng” cụ thể với từng cơ quan báo chí để phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các cơ quan báo chí, có như vậy mới tạo được thế trận “đấu tranh nhân dân” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Tăng cường chỉ sự đạo sâu sát, cụ thể của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ này, đặc biệt là trong cung cấp thông tin, định hướng kịp thời. Tăng cường chỉ đạo khi xảy ra các sự vụ nhạy cảm, các “điểm nóng”.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải cũng kiến nghị cần có chính sách xây dựng các cây bút chủ lực ở từng cơ quan báo chí, tăng cường quản lý, rèn luyện năng lực và đạo đức các cây bút chủ lực đi đôi với chăm lo đời sống của đội ngũ cây bút nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước, ngày càng nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đã và đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nội dung báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Thế hệ làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha có mặt ở những điểm nóng thực hiện tốt trách nhiệm sứ mệnh người làm báo cách mạng.

Ông Võ Văn Thưởng cũng đánh giá cao báo chí trong thời gian qua đã tích cực tuyên truyền phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tích cực phát hiện cổ vũ, động viên gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, hăng hái thâm nhập thực tế vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thiên tai, bão lũ…

Đặc biệt, nhiều bài báo mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên từng lĩnh vực. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan báo chí, một bộ phận người làm báo xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu trách nhiệm, thậm chí từ chối chức năng định hướng giáo dục của báo chí, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; Ý thức xây dựng Hội còn hạn chế, hoạt động Hội có lúc có nơi còn thiếu sức sống; Chưa xử lý, ngăn chặn kịp thời những vi phạm của hội viên; một bộ phận nhà báo còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, thậm chí có tình trạng chữ nghĩa vụng về, cẩu thả…

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, báo chí phải đổi mới mình, thực sự là kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội.

Để Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Thường trực Ban Bí thư nêu một số nội dung gợi mở để Đại hội suy nghĩ.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trách nhiệm lớn lao của Hội trong việc tập hợp, đoàn kết, bảo vệ lợi ích, quyền lợi hợp pháp của hội viên, động viên sức sáng tạo, cống hiến của các nhà báo, xây dựng tổ chức Hội thực sự là ngôi nhà ấm tình đồng nghiệp, nơi kết nối, giao lưu, tin cậy và chia sẻ của hội viên.

Sứ mệnh quan trọng, cao cả đó đòi hỏi tổ chức Hội phải thực sự vững mạnh. Sự vững mạnh đó dựa trên năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của từng hội viên, trước hết là từng cán bộ Hội.

“Cần khắc phục tư tưởng tổ chức Hội là chốn “hội hè”, nhàn hạ, ai làm cũng được, dẫn đến dễ dãi trong lựa chọn cán bộ. Càng tuyệt đối tránh xem Hội là “cứ địa riêng” để bố trí “đàn em” thân tín. Bộ máy của Hội, dù ở Trung ương hay địa phương, phải gồm những người tâm huyết, giàu ý tưởng, tận tụy với công việc…”, ông Võ Văn Thưởng lưu ý.

Mỗi cán bộ Hội Nhà báo phải thấy được công việc mình đang làm là vinh dự, trách nhiệm, là đang góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội. 

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh công tác kết nạp hội viên mới bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường quản lý hội viên; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm người làm báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. 

Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm xã hội cao, không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào, cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo. 

Theo Thường trực Ban Bí thư, chúng ta đang sống trong một xã hội mở về thông tin, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Đây là môi trường nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí.

Chúng ta đã nắm bắt cơ hội tạo nên bước phát triển vượt bậc, toàn diện của báo chí về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức. Tuy nhiên, vai trò, tổ chức Hội chưa thực sự có vị thế tương xứng với sự phát triển của báo chí. Tình trạng này cần được khắc phục, và không ai khác, chính Hội phải là chủ thể, chủ động cải thiện tình hình thông qua các chương trình hành động, các hoạt động cụ thể và thiết thực, có sức cuốn hút và lan tỏa, tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam…

Tại phiên làm việc chính thức, Đại hội cũng đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra và các chức danh Lãnh đạo Hội khóa XI.

Theo đó, ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội khóa XI với số phiếu 100%.

Ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định, sau hơn 2 ngày làm việc khẩn trương, khiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó bầu được Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 11 là những là báo có phẩm chất, năng lực, uy tín cũng như tâm huyết để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới.

Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng, gần 1 thế kỷ qua, với sứ mệnh được giao phó, đội ngũ người làm báo cách mạng tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

“Ban chấp hành nhiệm kỳ mới xin hứa với đội ngũ những người làm báo, hội viên cả nước sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động, chung sức, chung lòng vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại vì Tổ quốc, vì nhân dân”, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Lê Quốc Minh làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Ông Lê Quốc Minh làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

VOV.VN - Ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Lê Quốc Minh làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

VOV.VN - Ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương lên tiếng vụ phóng viên bị đe dọa hành hung
Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương lên tiếng vụ phóng viên bị đe dọa hành hung

VOV.VN - Liên quan vụ phóng viên bị một số đối tượng đe dọa, hành hung trong phiên tòa xét xử một đối tượng phạm tội "cưỡng đoạt tài sản" của bà Nguyễn Phương Hằng, chiều 30/12, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Dương có công văn gửi UBND tỉnh này đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương lên tiếng vụ phóng viên bị đe dọa hành hung

Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương lên tiếng vụ phóng viên bị đe dọa hành hung

VOV.VN - Liên quan vụ phóng viên bị một số đối tượng đe dọa, hành hung trong phiên tòa xét xử một đối tượng phạm tội "cưỡng đoạt tài sản" của bà Nguyễn Phương Hằng, chiều 30/12, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Dương có công văn gửi UBND tỉnh này đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.