Bảo đảm an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ
VOV.VN - Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An; Chủ tịch, Giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi trong khu vực tăng cường đảm bảo an toàn và phục hồi hoạt động công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh của bão số 3.
Công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; Chủ tịch, Giám đốc các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi vừa nêu tranh thủ thời gian mực nước sông đang xuống và không có mưa trong nội đồng, vận hành tối đa trong điều kiện cho phép các công trình đầu mối tiêu úng để hạ thấp mực nước trong hệ thống thủy lợi và tiêu úng nội đồng; tuy nhiên, cần lưu ý tốc độ rút nước trong kênh phải phù hợp để không để xảy ra sự cố sạt trượt mái bờ kênh do mực nước hạ thấp quá nhanh.
Tiếp tục tăng cường trực ban, kiểm tra để phát hiện sớm nguy cơ vỡ bờ kênh và sự cố công trình thủy lợi, nhất là các đoạn kênh đã bị ngâm nước lâu ngày, các hồ chứa nước xung yếu hoặc đang trữ nước ở mức cao; tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật lực bảo đảm khẩn trương xử lý sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất và dân sinh.
Các địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát tình trạng an toàn công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh hưởng của Cơn bão số 3; chủ động tổ chức thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị; báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo, bố trí nguồn lực xử lý khẩn cấp sự cố hoặc tình huống có nguy cơ xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn công trình và khả năng phục vụ sản xuất, dân sinh trong các đợt mưa lũ tiếp theo của năm 2024 và thời gian tới.
Đánh giá, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo, điều hành vận hành công trình thủy lợi trong thời gian mưa, lũ lớn vừa qua, nhất là đối với các hệ thống thủy lợi liên tỉnh, hệ thống thủy lợi lớn, các hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ để bảo đảm việc vận hành công trình thủy lợi đạt hiệu quả cao hơn; báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo cho phép tạm thời thực hiện các quy định xử lý tình huống khẩn cấp đã phát sinh vừa qua.
Đồng thời rà soát các quy định trong quy trình vận hành công trình thủy lợi, trường hợp có các quy định chưa phù hợp với thực tiễn cần báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức điều chỉnh quy trình vận hành, đặc biệt lưu ý sự phù hợp với thực tiễn các quy định phải dừng bơm tiêu công trình đầu mối trong thời gian có lũ, ngừng bơm nước từ nội đồng vào kênh trục,.. ở các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng; quy định về thẩm quyền điều hành vận hành cửa van để cắt, giảm lũ,.. của các hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ.
Tổ chức rà soát, đề xuất danh mục sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình thủy lợi trong Dự án Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang chuẩn bị trình phê duyệt) và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm hệ thống công trình thủy lợi đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh; báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện chi tiết các nội dung trên về Cục Thủy lợi trước ngày 30 tháng 9 năm 2024 để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.