Bão đi qua, làm gì để bảo vệ phụ nữ và trẻ em
VOV.VN - Đến nay công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) vẫn đang được triển khai khẩn trương, trong đó có ưu tiên cho việc hỗ trợ đối tượng phụ nữ và trẻ em.
Liên quan đến hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, tổ chức Plan International Việt Nam, một tổ chức có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ, trẻ em, đang gấp rút phối hợp cùng chính quyền và các tổ chức khác nhằm giúp phụ nữ và trẻ em sớm vượt qua khó khăn sau bão.
PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn với bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác của tổ chức Plan International Việt Nam.
PV: Thưa bà, bão số 3 đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng nặng nề cho các tỉnh, thành tại Việt Nam. Theo đánh giá, thống kê của tổ chức Plan thì phụ nữ và trẻ em tại những vùng bị ảnh hưởng đang gặp những khó khăn nào, và các vấn đề như thể chất, tinh thần cần phải được nêu ra ngay bây giờ là gì?
Bà Lê Quỳnh Lan: Tổ chức Plan cùng với các tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức phi Chính phủ khác đã có các đợt đánh giá nhanh bao gồm ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái và bản thân Plan ngay trong tuần này cũng vừa đánh giá nhanh thêm ở Phú Thọ, Hà Giang.
Chúng tôi nhận thấy bên cạnh những thiệt hại về người, về cơ sở vật chất thì phụ nữ và trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Phụ nữ phải đối mặt nhiều hơn với khó khăn, các nhu cầu về vệ sinh, khó tiếp cận trong việc để đảm bảo những nhu cầu rất là thiết yếu của phụ nữ. Đặc biệt đối với trẻ em, do người lớn tập trung vào việc cứu hộ, giải quyết những hậu quả sau thiên tai nên trẻ em thường sẽ dễ bị những rủi ro liên quan đến tai nạn thương tích.
Ảnh hưởng của bão, lụt để lại hậu quả rất lớn về thiệt hại về kinh tế. Do đó, các gia đình, những người lớn sẽ phải tập trung nhiều hơn cho việc khắc phục trong khi trường học chưa mở cửa trở lại, trẻ em phải đối mặt với những rủi ro khi phải ở nhà một mình hay những rủi ro khác. Đặc biệt khi vấn đề kinh tế nó ảnh hưởng đến gia đình thì những nguy cơ về bạo lực đối với trẻ em hay đối với phụ nữ sẽ gia tăng.
PV: Vậy tổ chức Plan đang có những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em vượt qua giai đoạn khó khăn này? Xin bà chia sẻ thêm về các chương trình hỗ trợ chuyên sâu về tâm lý, giáo dục và bảo vệ trẻ em và tổ chức đang hoặc là sắp thực hiện?
Bà Lê Quỳnh Lan: Chúng tôi bắt đầu triển khai đánh giá nhanh và có can thiệp tại địa bàn Hà Giang và công tác về bảo vệ phụ nữ và trẻ em thì nó không chỉ triển khai ngay sau bão lũ mà nó dựa trên hệ thống mà chúng tôi đã và đang hợp tác với các chính quyền địa phương.
Ví dụ tại trường học, chúng tôi dựa vào hệ thống các phòng tham vấn của trường học để có thể cung cấp kiến thức cho thầy cô và thầy cô sẽ hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là các em sau thiên tai. Những khủng hoảng về tâm lý sẽ được hỗ trợ bởi chính những thầy cô giáo trong trường.
Một điểm nữa không chỉ tổ chức Plan và tôi biết rằng các tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức phi Chính phủ khác, đặc biệt họ đang can thiệp ở địa bàn Lào Cai và Yên Bái thì trong gói can thiệp của họ cũng đã tập trung mảng khá lớn là đánh giá các rủi ro liên quan đến bạo lực giới, liên quan đến bảo vệ trẻ em. Họ lồng ghép vào trong các thông điệp, các gói cứu trợ và giúp chính những người làm công tác cứu trợ đó có kiến thức. Đây là công tác lâu dài và tôi tin rằng là các tổ chức đã, đang làm thì sẽ tiếp tục củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em ngay tại cộng đồng để hỗ trợ trẻ em tốt hơn.
Còn đối với tổ chức Plan, chúng tôi tập trung xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em ngay trong trường học và hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, tập trung vào công tác phòng ngừa, cung cấp kiến thức cho trẻ em trước khi thảm họa xảy ra và khi thảm họa xảy ra.
Chúng ta có một cơ chế tại chỗ để có thể hỗ trợ đặc biệt, tập trung vào xác định những sang chấn mà các em phải gặp phải, mất người thân, trong việc phải đối mặt với những khó khăn của thiên tai thì sẽ cung cấp kiến thức và trợ giúp giúp các em, để biết là có địa chỉ để các em có thể chia sẻ cũng như là hỗ trợ các em để vượt qua những sang chấn về mặt tâm lý.
PV: Vậy tổ chức Plan có kêu gọi và mong muốn gì để cùng chung tay giúp đỡ những đối tượng như phụ nữ và trẻ em tại các khu vực bị ảnh hưởng vượt qua được giai đoạn này?
Bà Lê Quỳnh Lan: Một trong những can thiệp chính với vai trò của tổ chức quốc tế, chúng tôi thường sẽ cùng làm việc với các đối tác địa phương trong việc nâng cao năng lực cho chính đội ngũ cán bộ địa phương, tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất, đó là phụ nữ và trẻ em gái. Tính toán đến những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và trẻ em để đảm bảo rằng trong các can thiệp thì các vấn đề của trẻ em, vấn đề về mặt tinh thần cũng không bị bỏ qua trong can thiệp, bên cạnh là những hỗ trợ về mặt vật chất.
Như chúng ta nhìn thấy sự chung tay rất lớn của các tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đang can thiệp ở những địa bàn bị ảnh hưởng nhất hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục quản lý đê điều là cơ quan đầu mối của Chính phủ được giao để kết nối. Và tại Việt Nam thì cũng có liên minh gọi là liên minh các tổ chức phòng ngừa thảm họa thiên tai và hiện nay thì Cục quản lý đê điều đang làm công tác điều phối khá là tốt.
Khi phối hợp các tổ chức, chúng tôi có những "maping out", là những danh sách, liệt kê những địa bàn cũng như là các can thiệp của các tổ chức và tôi nghĩ rằng trong thảm họa năm nay thì đã có công tác điều phối khá là tốt. Câu chuyện là điều phối làm thế nào để đảm bảo các chính quyền địa phương, ở đây là các tỉnh bị thiệt hại sẽ có được các thông tin cụ thể về thiệt hại và nhu cầu của địa phương, thì nó sẽ giúp cho công tác cứu trợ của các mạnh thường quân.
Chắc chắn là các cá nhân mong chờ nhiều hơn những thông tin được cập nhật từ chính các chính quyền địa phương để đảm bảo rằng hoạt động cứu trợ, đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ về hiện vật sẽ không bị trùng lắp, không bị thừa và đấy cũng là một định hướng mà tôi thấy từ Chính phủ cũng như từ các tổ chức quốc tế. Chúng tôi đang tập trung cho đợt cứu trợ của năm nay.
PV: Xin cảm ơn bà.