Báo động dịch bệnh gia cầm và gia súc tại nhiều địa phương

Ở một số địa phương công tác phòng chống dịch vẫn chủ quan để dịch bệnh lây lan…

* Tại Hoà Bình, từ trung tuần tháng 1, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên ở tỉnh Hoà Bình có 75 con trâu, bò già và bê nghé bị chết rét, riêng huyện Mai Châu có 58 con. Tại một số địa phương xuất hiện dịch bệnh trên gia súc gia cầm, chủ yếu là bị bệnh tụ huyết trùng và tiêu mao trùng.

Từ ngày 31/1 vừa qua, tại các xã Cun Pheo, Piềng Vế huyện Mai Châu xuất hiện dịch lở mồm long móng trên gia súc. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, đến nay, đã có 48 con trâu bò chết, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Chi cục thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.

Theo đánh giá ban đầu, trâu bò chết do lở mồm long móng, nguyên nhân dịch lây lan từ tỉnh Sơn La. Chi cục thú y Hòa Bình chỉ đạo Trạm thú y Mai Châu phối hợp cùng chính quyền địa phương khoanh vùng, phòng chống dịch, đồng thời lập trạm kiểm dịch tạm thời tại 2 đầu đường 479. Cấm giết mổ, mua bán trâu bò trên địa bàn, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khống chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, để nhanh chóng xử lý dịch lở mồm long móng, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và bản thân mỗi người dân cần chủ động vào cuộc, nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch…

 ** Tính đến ngày 8/2, tại Nghệ An đã có 35 con trâu bò ở bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bị chết do tụ huyết trùng. Hầu hết số trâu bò bị chết đều nuôi thả rông trong rừng. Ngành Thú y đã vận động nhân dân xã Tà Cạ gom trâu bò thả rông về bản để tiêm phòng. Tính đến ngày 7/2, mới có gần 100 con trâu bò ở xã này được tiêm văcxin phòng dịch.

Trước đó, ngày 6/2, UBND tỉnh Nghệ An công bố dịch cúm gia cầm sau khi xảy ra ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương. Từ đầu tháng 2 đến nay, xã Minh Sơn có 200 con vịt bị ốm chết. Toàn bộ số gia cầm bị mắc dịch đã được Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An và địa phương tổ chức tiêu hủy.

** Dịch cúm gia cầm đã trở lại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với ổ dịch đầu tiên ở huyện Mỹ Xuyên, trên đàn vịt của ông Lý Sà Rinh tại ấp Đào Viên, xã Viên Bình với tổng đàn nuôi bị nhiễm bệnh là 682 con, trong đó có 527 con bị nhiễm bệnh chết.

Có thể coi đây là kết quả tất yếu của việc người nuôi đã lơ là trong ngăn ngừa dịch bệnh. Theo ông Lý Sà Rinh, đàn vịt của ông lúc còn nhỏ được nuôi ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (cách địa bàn xảy ra dịch trên 30 km), được khoảng một tháng tuổi mới chuyển về nhà ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình để nuôi trong tình trạng khỏe mạnh nhưng chưa tiêm ngừa cúm gia cầm H5N1. Khi bầy vịt đã hơn 35 ngày tuổi, thấy có triệu trứng dịch bệnh, ông rinh mới kêu cán bộ thú y đến tiêm phòng vắc xin (mà theo qui định thì vịt nở sau 14 ngày phải chích ngừa mũi đầu tiên) Sau đó 2 ngày bầy vịt có dấu hiệu phát bệnh và chết dần, nhưng anh Rinh không khai báo mà tự mua thuốc về chữa trị.

Bà Lê Thị Mỹ, trưởng trạm thú y huyện Mỹ Xuyên cho biết, xã Viên Bình hiện có tới 86 bầy vịt với trên 93.000 con, phần lớn là vịt chạy đồng từ các địa phương khác đến. Xã lại là địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Mỹ Xuyên và Long Phú với hệ thống kênh rạch chằng chịt nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Dịch cúm xảy ra ở Viên Bình một lần nữa là lời cảnh báo cho sự lơ là thiếu ý thức của người dân. Nuôi vịt nhưng không chích ngừa, không rõ về H5N1, khi đàn vịt mắc bệnh không kịp thời khai báo và sự chậm trễ trong xử lý của lực lượng thú y cơ sở.

Theo số liệu mới nhất của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, hiện nay toàn tỉnh có trên 3,5 triệu con gia cầm (tăng tới trên 500.000 con so với thời điểm nửa cuối năm 2008), trong đó có 1,8 triệu con gà và gần 1,7 triệu con vịt, ngan, ngỗng.

Hiện ngành thú y tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường thêm các chốt kiểm dịch gia cầm để kiểm soát việc di chuyển gia cầm trên địa bàn cũng như gia cầm từ ngoài vào tỉnh và chủ trương tiên hủy những gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch. Cơ quan thú y tỉnh cũng đã nhập thêm hàng trăm liều vắc-xin, bổ sung vào cơ số thuốc cần có để đảm bảo đủ so với số gia cầm cần tiêm ngừa dịch. Trong những ngày tới, công tác phát động tiêu độc khử trùng, phun xịt thuốc khử trùng ở những địa bàn có nguy cơ phát dịch cao như trang trại chăn nuôi gia cầm, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các lò giết mổ gia cầm tập trung và kiểm tra vệ sinh thú y ở những địa bàn trọng điểm... được đẩy mạnh.

Cúm gia cầm xuất hiện trở lại ở huyện Mỹ Xuyên đã khiến ngành chức năng và các huyện lân cận như Long Phú, Vĩnh Châu, Thạnh Trị… phải tích cực phòng ngừa dịch cúm lan rộng.

Như vậy, không chỉ ngành chức năng, địa phương mà cả người dân cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ đàn gia cầm của mình, nhằm hạn chế thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên