Báo động tình trạng học sinh bị tai nạn vì tự chế pháo nổ
VOV.VN - Mấy ngày cận Tết, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận những vụ tai nạn thương tâm do tự chế pháo nổ. Tại tỉnh Khánh Hòa, trong vòng chưa tới 1 tháng đã xảy ra 7 trường hợp bị thương nặng do tự chế pháo nổ phải vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị.
Đã 10 ngày kể từ hôm bị pháo nổ gây thương tích nhưng em B.G.N, 10 tuổi, ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, chiều 1/1, em N. được gia đình đưa vào Bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương phức tạp, nguy hiểm. Bàn tay trái của N. mất xương, bong điểm bám gân nhiều đốt, bỏng da mi, bỏng kết mạc mắt bên trái, xây xát nhiều nơi vùng mặt. Các bác sĩ đã cắt lọc, khâu vết thương, kết nối xương bằng đinh.
Bà Nguyễn Thị Liến, bà ngoại của N., cho biết, cháu bà mua pháo về chơi, khi xảy ra tai tai nạn người lớn đi làm xa nhà. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng cháu N. phải tiếp tục điều trị lâu dài: “Cháu tôi mua pháo từ một bạn trong lớp, các cháu mới 10 tuổi thôi. Mua 1 quả mang về nhà, đốt khi ở nhà một mình. Mọi người đi làm từ mờ sáng, không có ai ở nhà lúc pháo nổ. Bị gãy bàn tay, tổn thương 3 ngón bị gãy, rớt ra luôn. Tay còn lại cũng bị bỏng nhìn như hoại tử da, 2-3 ngày nay, bác sỹ cho chiếu điện không biết có cứu được không. Mắt cũng bị pháo nổ bầm tím”.
Vào dịp giáp Tết Nguyên đán hằng năm, tại các bệnh viện trong cả nước thường tiếp nhận nhiều trường hợp bị thương do pháo nổ, đa số bệnh nhân từ 10 - 16 tuổi, tự chế pháo để chơi Tết. Tuy các em được gia đình đưa đến Bệnh viện cấp cứu nhưng những tổn thương do pháo gây ra đều để lại nhiều di chứng.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ giữa tháng 12 đến nay đã có 7 em học sinh nhập viện cấp cứu, điều trị các chấn thương do pháo nổ. Các trường hợp đều tự ý đặt mua các dụng cụ, nguyên liệu chế tạo pháo trên mạng và làm theo hướng dẫn trên internet.
Theo bác sĩ Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân.
Bác sĩ Phạm Đình Thành cho biết: “Việc học sinh chấn thương do pháo tự chế là tình trạng đáng báo động. Riêng chấn thương sẽ để lại những di chứng khủng khiếp, gây co rút bàn tay, chức năng cầm nắm sẽ không trở lại bình thường, rất ảnh hưởng về sau. Đặc biệt, thính giác bị ảnh hưởng do thủng màng nhĩ, chức năng nghe suy giảm, mắt thì tổn thương do dị vật, gây viêm loét giác, kết mạc, ảnh hưởng rất lớn thị giác của các bé”.
Hiện nay, việc rao bán các hóa chất, vật liệu để chế tạo pháo nổ diễn ra tràn lan trên mạng xã hội. Việc giao dịch công khai cùng với nhiều bình luận hướng dẫn chế tạo pháo, thu hút số lượng người theo dõi rất lớn. Ngăn chặn, hạn chế các tai nạn do pháo tự chế gây ra đang trở thành vấn đề cấp bách đối với các em học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo đề nghị các gia đình quản lý nghiêm con cái, đồng thời, tăng cường tuyên truyền các em hiểu, nâng cao nhận thức và tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ.
“Các em học sinh liên lạc với nhau trên mạng xã hội, đặt mua nguyên liệu, đem về tự chế tạo pháo. Chúng tôi đã làm việc, phối hợp với Công an tỉnh, ra văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông tin hậu quả nguy hại của pháo nổ. Các nhà trường cho học sinh ký cam kết không được mua, tàng trữ, sử dụng chế tạo pháo nổ”, ông Sơn nói.