Bạo hành phụ nữ: Hãy lên tiếng nói ra sự thật
VOV.VN - 90% phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng nói ra sự thật về bạo lực gia đình hay tìm cách thoát khỏi tình cảnh này.
Khi xã hội ngày càng tiến bộ thì phụ nữ được trân trọng hơn. Thế nhưng, hơn một nửa phụ nữ Việt Nam vẫn chỉ nhận được những giọt nước mắt và vết bầm tím trên cơ thể mỗi ngày, vẫn phải chịu tổn thương cả về thể chất và tinh thần do chồng hoặc bạn trai gây ra…
Bạo hành phụ nữ trong gia đình không những gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe mà còn để lại nỗi ám ảnh dai dẳng suốt cuộc đời. Thế nhưng, vì sao 90% phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng nói ra sự thật về bạo lực gia đình hay tìm cách thoát khỏi tình cảnh này?
Bạo lực giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam
Người phụ nữ 40 tuổi, với thân hình nhỏ bé nấc lên nghẹn ngào trong câu chuyện kể về quãng thời gian 18 năm về làm dâu “xứ lạ”. Sinh ra và lớn lên ở miền núi phía Bắc, chị theo chồng về làm dâu xứ Quảng. Những tưởng xa gia đình, người thân, anh sẽ là bờ vai vững chãi cho chị nương tựa cả về vật chất và tinh thần.
Chồng chị đã thay lòng đổi từ khi có “người mới” và có con riêng bên ngoài. Từ đó, những trận đòn vô cớ, những lời chửi mắng, xúc phạm với mục đích muốn chị ly hôn đã diễn ra thường xuyên. Nhưng với suy nghĩ phải giữ cha cho con, chị âm thầm chịu đựng suốt 14 năm, chấp nhận kiếp “chồng chung”. Có thời gian trầm cảm, chị tìm đến cái chết nhưng may mắn, chị vẫn sống nên quyết tâm sống tốt để nuôi con.
“Đau lắm, hụt hẫng như mất đi một bộ phận trên cơ thể. Bởi vì một mình ngoài Bắc đi theo chông vào đây, cái gì cũng đặt hết niềm tin yêu vào chồng, sống theo cảm xúc của chồng, ông ấy vui thì mình vui, ông ấy buồn thì mình buồn. Khi biết chồng phản bội thì khổ và khó chịu, cuộc sống thật khó tả”, chị kể.
Người phụ nữ ấy cũng chỉ là một trong nhiều người phụ nữ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển của Liên Hiệp quốc, tuy nhiên, bạo lực giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ do Tổng cục Thống kê công bố năm 2019 cho thấy, 63% phụ nữ đã từng kết hôn tại Việt Nam đã trải qua một dạng bạo lực như bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kiểm soát hành vi hoặc bạo lực kinh tế do chồng gây ra ở một thời điểm nào đó trong đời. Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30 - 300%.
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, nguyên nhân của bạo lực gia đình, một phần do người phụ nữ cam chịu và chấp nhận để chồng bạo hành cả thể chất và tinh thần mà không phản kháng. Nhiều người phụ nữ chưa nhận thức được quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Họ vẫn mang nặng tư tưởng “nam tôn, nữ ti”, coi người chồng có quyền lực hơn vợ và có thể dùng quyền của mình để giữ “tôn ti trật tự” trong gia đình thông qua việc “trừng phạt” người vợ nếu họ không tuân thủ trật tự đó. Họ vẫn áp đặt phụ nữ phải chịu hy sinh, phải nghe lời chồng và luôn cho rằng công việc gia đình là “thiên chức” của phụ nữ.
“Từ trước đến nay, nam giới trong xã hội của chúng ta luôn đứng ở vị trí cao nhất rồi mới đến phụ nữ. Người phụ nữ từ trước đến nay vẫn coi là bị thiệt thòi nhất. Chúng ta phải chỉ ra rằng cách người ta thay đổi khi nghĩ về bản thân hay cách họ thay đổi để nghĩ về phụ nữ thì mang lại lợi ích cho họ thì dễ nhưng để nghĩ ra những giải pháp cụ thể, những hoạt động cụ thể không phải là dễ, sẽ phải cần nhiều những sáng tạo, tư duy của rất nhiều người để cùng tìm ra những cách tiếp cận nào cho phù hợp nhất với những nhóm nam giới khác nhau. Và chắc chắn tất cả mọi người đều phải coi đó là việc của mình”, bà Hồng khẳng định.
Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ và hành vi của nam giới, coi đây là vấn đề của nam giới và phúc lợi của nam giới chứ không chỉ kêu gọi nam giới “động lòng” hay “thông cảm”? Từ thực tế này, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) đã triển khai dự án "Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng" từ năm 2014, thu hút hơn 8.000 người dân (trong đó 40% là nam giới) tham gia. Mô hình các câu lạc bộ nam giới tiên phong trong xử lý mâu thuẫn, xử lý tình huống bạo lực gia đình... đã được nhân rộng tại các địa phương khác.
Bà Lê Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới cho biết, đến thời điểm này cho thấy đây là mô hình huy động nam giới rất hiệu quả. Sau khi tham gia mô hình, nam giới rất tích cực và họ điều hành, chia sẻ những kiến thức về bình đẳng giới mà không cảm thấy ngại ngùng gì nữa.
“Nam giới trở thành những nhân tố rất tích cực ở cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới. Họ thậm chí còn mang những kiến thức này vào họp Đảng, có những người còn đưa vào họp nội tộc, dòng họ. Phụ nữ cũng được đóng vai trò quan trọng hơn, lên tiếng nói trong các cuộc họp”, bà Phương đánh giá.
Sau 7 năm triển khai, dự án góp phần đáng kể trong việc thay đổi quan điểm, nhận thức giới và bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Đặc biệt, thúc đẩy thành phố triển khai các chính sách, chương trình nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Táng Kim, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nam giới tiên phong, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng chia sẻ, bên cạnh việc nâng cao kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, các thành viên của các câu lạc bộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý mâu thuẫn, xử lý tình huống bạo lực gia đình.
“Việc này không chỉ riêng nam giới mà còn phải có sự tham gia của phụ nữ nữa. Chúng tôi tổ chức hoạt động từ năm 2016 đến nay, định kỳ mỗi tháng sinh hoạt một lần. Mới đầu thì các thành viên chưa nhận thức nhưng mà khi được hướng dẫn và tập huấn, các thành viên đã được nhận thức, không những về tuyên truyền ở trong gia đình của mình mà còn tuyên truyền trong xóm. Cho nên hiện tượng bạo lực phụ nữ ở trong xóm, thôn đã được hạn chế rõ rệt”, ông Kim nói.
Khi nào xã hội còn chưa coi bạo hành giới trong gia đình là vấn đề mà xã hội phải có trách nhiệm can thiệp thì khi đó bạo hành vẫn giới hạn đằng sau cánh cửa mỗi ngôi nhà và phụ nữ vẫn tiếp tục phải chịu đựng bạo hành từ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình. Việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi sự tham gia tích cực của nam giới, bởi họ chính là những người tạo nên sự thay đổi. Trách nhiệm này là của mỗi người để cùng tham gia hành động chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, ngăn ngừa những hình thức bạo lực trước khi nó xảy ra./.