Bảo hiểm cho ngư dân cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước

VOV.VN - Việc ưu tiên hỗ trợ ngư dân phải đảm bảo 2 mục tiêu ngư dân sống được bằng nghề và giữ được chủ quyền biển đảo



Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2/6, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Lai Châu cho rằng trong tình hình hiện nay với những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông buộc Việt Nam phải đặc biệt chủ động, trong đó phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu vào một quốc gia…

Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) trả lời phỏng vấn báo chí sáng 2/6

** Trung Quốc từng tuyên bố sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 vào khoảng tháng 8. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là một âm mưu mới của Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc không rút, chúng ta nên chuẩn bị kịch bản nào cho nền kinh tế, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tạo ra sự bất ổn và làm suy giảm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; tác động đến thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vấn đề của chúng ta là cần theo dõi diễn biến tình hình Biển Đông và dự báo sát tình hình để có kịch bản chủ động ứng phó với tình hình đó.

Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng sự chủ động của Việt Nam là rất quan trọng. Ngoài phương án chủ động, Việt Nam cũng phải xử lý một số vấn đề. Ngoài những giải pháp chính trị, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề KTXH hiện nay là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (kể cả tái cơ cấu thị trường, giảm thiểu sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu vào một quốc gia). Chúng ta cũng phải rà soát lại việc tham gia của một số nhà thầu, đặc biệt các nhà thầu quốc tế, hạn chế nhà thầu, tổng thầu của một quốc gia chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế. Đó là những việc phải làm trước mắt để đảm bảo duy trì cần đối vĩ mô.

** Xã hội sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ tình hình Biển Đông, theo ông, Quốc hội có cần điều chỉnh chỉ tiêu để phù hợp hơn?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Với tình hình như hiện nay, những tác động về KTXH và NSNN chưa phải là vấn đề lớn phải bàn. Tuy nhiên để giữ vững chủ quyền của đất nước, chúng ta đang đặt ra nhiều vấn đề như đóng tàu cho kiểm ngư, cảnh sát biển, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt hải sản đồng thời để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh tỷ lệ bội chi NSNN lên mức tối đa là 195.000 tỷ đồng để: bù hụt thu NSTW 2013, thưởng các địa phương có vượt thu NS 2013 và hỗ trợ bù hụt thu cho các địa phương không đạt dự toán, phần còn lại để hỗ trợ ngư dân đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, bổ sung nguồn kinh phí cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển. Đấy là những vấn đề trước mắt.

Đầu tư cho biển đảo chắc chắn là vấn đề lớn, phải giải quyết nhiều năm. Trong tài khóa của những năm tới phải tiếp tục tính toán, cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.

** Vậy ngân sách dự kiến để đóng tàu cho kiểm ngư và cảnh sát biển là bao nhiêu, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Ngân sách đã được giao trong dự toán. Phần tăng thêm từ điều chỉnh bội chi NSNN năm 2013 lên 195.000 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP) cộng với tiết kiệm chi của NSTW tổng cộng khoảng trên 44.000 tỷ đồng để xử lý mấy vấn đề lớn như đã nói ở trên, đặc biệt có gói 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân cũng như đóng tàu cho lực lượng chấp pháp.

** Một số đại biểu đề nghị điều chỉnh nguồn đầu tư từ những dự án, công trình chưa cần thiết để chuyển cho lĩnh vực quốc phòng an ninh?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Điều chỉnh cắt giảm chi đầu tư phải cân nhắc vì nhiều năm qua chúng ta đã rà soát, điều chỉnh chi đầu tư và thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn. Ngân sách năm 2014 vừa được thực hiện nên việc điều chỉnh ngay sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn. Nhiều dự án công trình đã đầu tư phải kéo dài thời gian, kém hiệu quả.

Đầu tư cho lực lượng chấp pháp trên biển và hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ là cấp thiết, nhưng việc triển khai thực hiện chắc chắn không thể trong một thời điểm mà phải có lộ trình.

16.000 tỷ đồng là khoản ngân sách không nhỏ. Quốc hội cũng đã thấy được vấn đề hết sức cấp bách nên chấp nhận điều chỉnh bội chi, trong điều kiện nợ công tương đối cao.

** Chúng ta cần phải có chính sách bảo hiểm, bồi thường và hỗ trợ để ngư dân tiếp tục ra biển. Tuy nhiên phải thực hiện như thế nào để tăng tính khả thi?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Tôi đồng tình với chủ trương muốn đưa dân ra biển đánh bắt lâu dài, vừa để giữ chủ quyền phải có các giải pháp tổng thể. Bảo hiểm cho ngư dân là hết sức cần thiết. Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm và đồng tình ủng hộ, nhưng chúng ta cần nghiên cứu việc thực hiện sao cho khả thi. Bảo hiểm là phải có phần đóng của chủ tàu để đền bù khi có thiệt hại. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc đánh bắt có độ rủi ro lớn hơn so với bình thường.

Theo nguyên tắc Bảo hiểm, cân bằng quỹ thì phải đóng nộp nhiều nhưng trong điều kiện rủi ro lớn phải đóng nhiều thì có khả thi không?

Tôi cho rằng, về lâu dài phải có bảo hiểm, nhưng quan trọng trong lúc này phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi cho là cần tính đến việc vừa hỗ trợ đóng tàu, vừa hỗ trợ nhiều hoạt động khác của ngư dân, đảm bảo ngư dân sống được bằng nghề, vừa giữ được chủ quyền.

Cơ chế hiện nay qua biến động ở Biển Đông đặt ra lên bàn Quốc hội và Chính phủ phải rà soát lại cơ chế để xây dựng cơ chế đồng bộ.

** Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên