Bảo hiểm thất nghiệp: Doanh nghiệp được chia sẻ

Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp bao gồm: 1% lương do người lao động đóng góp, 1% do Nhà nước hỗ trợ và 1% từ doanh nghiệp

Sáng nay (22/12) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Họp báo giới thiệu Nghị định 127/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009.

Theo đó, đối tượng tham gia BHTN là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12- 36 tháng với người sử dụng lao động.

Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc nên người lao động (NLĐ) có điều kiện nêu trên đều phải tham gia. Điều kiện tối thiểu để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trong vòng 24 tháng trước khi bị thất nghiệp, NLĐ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 12 tháng trở lên.

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian được hưởng trợ cấp là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là: 12- <36 tháng, 36- <72 tháng, 72- < 144 tháng, 144 trở lên

Khi có đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả. NLĐ cũng được tham gia các khoá học nghề phù hợp với môi trường làm việc mới có nhu cầu. Trong quá trình tìm kiếm việc làm, NLĐ được tư vấn, giới thiệu tìm việc làm. Đồng thời, NLĐ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định: NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động (SDLĐ) đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng; hàng tháng Nhà nước hỗ trợ từ Ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.

Thứ trưởng Bộ Lao động TBXH Nguyễn Thanh Hòa: Nâng cao văn hóa doanh nghiệp để tránh lách luật

Trả lời phỏng vấn của VOVNews về khả năng doanh nghiệp lách luật bằng cách ký hợp đồng dưới 12 tháng và ký mức lương ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với thực tế, Thứ trưởng Bộ Lao động TBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Bộ sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện tại các doanh nghiệp.

Đồng thời cần nâng cao nhận thức cho NSDLĐ về trách nhiệm của họ, tăng cường văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền để người lao động được biết tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu chủ sử dụng lao động phải thực hiện đúng theo quy định.

Ông Phùng Quang Huy, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam: Thực hiện BHTN gắn kết NLĐ với DN

Thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp, DN được chia sẻ rủi ro nhiều hơn, công bằng hơn, vì có sự đóng góp từ nguồn ngân sách nhà nước và NLĐ.

Bảo hiểm thất nghiệp chính thức có hiệu lực từ 1/1/2009, doanh nghiệp có thêm một khoản chi phí, một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn vì đúng vào thời điểm khủng hoảng tài chính, song đây là hoạt động nằm trong lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (ban hành từ tháng 6/2006), nên các doanh nghiệp đều đã có sự chuẩn bị.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp coi NLĐ là một thành viên không thể thiếu trong quá trình hoạt động của DN, góp phần bảo đảm mối quan hệ hài hòa, lành mạnh giữa NLĐ và NSDLĐ, thì NSDLĐ phải hiểu thực hiện BHTN là động lực để gắn kết NLĐ với DN.

Bảo hiểm thất nghiệp ra đời sẽ giúp góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động được học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2009, có nghĩa là, từ 1/1/2010 mới có người bắt đầu được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, theo dự báo, thời điểm cuối năm 2008 và năm 2009 số lượng người mất việc làm sẽ rất lớn, có thể lên tới nhiều chục ngàn người. Những người này lại chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và đương nhiên chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp và các chế độ khác. Đây là vấn đề rất cần được các cơ quan chức năng tính đến để bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên