Bảo hiểm xã hội: Người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?
VOV.VN -Nhiều người lao động vẫn chưa chủ động đấu tranh đòi quyền lợi của mình khi tham gia BHXH.
Doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội chậm hoặc trốn đóng là một thực trạng đang được xã hội quan tâm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo ông Mai Đức thắng (Phó Trưởng Ban thu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), hiện nay đa số các doanh nghiệp đã có ý thức đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội và thực hiện các nghĩa vụ cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ này.
Trước hiện trạng chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, ông Mai Đức Thắng nhận định: 20% là con số rất thấp so với số lượng người lao động. Nguyên nhân cơ bản là chủ lao động chưa hoàn thành trách nhiệm chủ động đăng ký tham gia BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng do nhiều người lao động vẫn chưa chủ động đấu tranh đòi quyền lợi tham gia BHXH của mình. Ngoài ra, yếu tố điều kiện xã hội như người lao động có thu nhập thấp các tác động đến việc tham gia đóng BHXH.
Năm 2014, lần đầu tiên 5 cơ quan thực hiện giám sát, thanh tra doanh nghiệp việc phối hợp giám sát thực hiện đóng BHXH. “Điều này mang lại tiếng nói chung giữa các cơ quan, hướng tới việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ngày càng hiệu quả. Việc tăng cường kiểm tra giám sát liên ngành cũng sẽ thúc đẩy việc thực thi pháp luật tại các địa phương.” – TS Nguyễn Phạm Ý Nhi (Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và Phát triển cộng đồng ) cho biết.
Không chỉ vậy, việc thực hiện này đạt được những lợi ích sau: Giúp khẳng định mối quan tâm của Đảng và nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức an sinh xã hội đối với người lao động; làm chuyển biến nhận thức về trách nhiệm của chủ lao động trong việc thực hiện pháp luật BHXH; góp phần đảm bảo quyền lợi thụ hưởng chế độ BHXH cho người lao động.
Từ 1/1/2016, luật BHXH sửa đổi sẽ có hiệu lực. Trong quy định xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH có nhiều điểm đổi mới. Tại khoản 3 điều 13, giao chức năng thanh tra, chuyên ngành về đóng BHYT, BHXH cho cơ quan BHXH. Tại khoản 1 điều 121, giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH Thất nghiệp cho Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, giám đốc BHXH cấp tỉnh hay trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cho Tổng giám đốc BHXH Việt Nam quyết định. Tại khoản 1 điều 14, giao thẩm quyền khởi kiện ra tòa cho tổ chức Công đoàn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Khoản 3 điều 14, giao cho Mặt trận Tổ quốc trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH. Những đổi mới này tạo nên sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
TS Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng: Song song với việc triển khai các quy định mới cùng với cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Nếu chúng ta phối hợp tốt việc phổ biến tuyên truyền pháp luật cho người lao động hiểu và đồng thuận, việc thực thi BHXH sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên cũng theo TS Ý Nhi, bên cạnh việc tuyên truyền cho người lao động, chúng ta cũng cần phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm minh đối với các doanh nghiệp sở hữu lao động. Những chế tài xử phạt vừa qua vẫn chưa có tính răn đe, chưa tương xứng với những vi phạm, vì vậy cần phải tăng cường xử phạt. Đồng thời, tổ chức công đoàn cũng sẽ khởi kiện các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Với các doanh nghiệp thường xuyên trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH của người tham gia bảo hiểm, chính phủ đã kiến nghị Quốc hội đưa hành vi này vào bộ luật hình sự.
Đối với người lao động, theo ông Mai Đức Thắng, để bảo vệ quyền lợi của mình: “Người lao động cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ quyền lợi của mình được quy định trong bộ luật BHXH, luật Lao động, luật Công chức, viên chức. Từ đó có thể yêu cầu, đòi hỏi chủ lao động thực hiện đầy đủ quyền lợi của mình. Song song, cần tìm hiểu kỹ trách nhiệm của bản thân để chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về vấn đề đóng BHXH. Như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo vấn đề an sinh tuổi già của chính mình.”./.