Bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình

Bạo lực gia đình cản trở mục tiêu tiến tới bình đẳng giới và phát triển bền vững về mặt xã hội của mỗi quốc gia.

Ngày 14 và 15/12, tại Thừa Thiên-Huế đã diễn ra Hội thảo “Vai trò của Nhóm Nữ nghị sĩ trong xây dựng, thực hiện và giám sát và thực hiện pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình”. Hội thảo do Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm Nữ Nghị sĩ Việt Nam phối hợp với Chương trình Hợp tác bình đẳng giới UNIFEM và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện các Nhóm Nữ nghị sĩ của 10 nước đến từ 4 châu lục.

Nhiều đại biểu cho rằng, bạo lực gia đình là một hiện tượng mang tính lịch sử, văn hóa - xã hội; tồn tại ở tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Giải quyết bạo lực gia đình không chỉ là nhiệm vụ của riêng quốc gia, dân tộc nào mà phải có sự hợp sức của toàn thế giới.

Nguyên nhân sâu xa của nạn bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới còn tồn tại trong gia đình và ngoài xã hội. Nó cản trở mục tiêu tiến tới bình đẳng giới và phát triển bền vững về mặt xã hội của mỗi quốc gia. Nghiêm trọng nhất của bạo  lực gia đình là vi phạm quyền con người, gây nguy hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của cá nhân, đặc biệt nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực từ ngày 1/7/2008 nhưng việc thực hiện vẫn còn khó khăn, quan niệm bạo lực gia đình là chuyện riêng của từng gia đình, song thực tế hậu quả của bạo lực gia đình đã vượt ra khỏi khuôn khổ của gia đình, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên