Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái diễn ra ngang nhiên
VOV.VN -Bạo lực tình dục diễn ra phổ biến ở nơi công cộng, nhưng xã hội coi đó là chuyện bình thường và không có hành động chống lại.
Thông tin tại diễn đàn chính sách “Thực trạng và giải pháp ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” diễn ra ngày 25/11 tại Hà Nội cho thấy, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại như một trong các vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất, có hệ thống và phổ biến trên thế giới.
Đây là mối đe dọa cho tất cả phụ nữ và là một trở ngại cho những nỗ lực để thúc đẩy phát triển, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội. Điều đáng quan tâm đó là khi nhắc đến bạo lực, dư luận mới chỉ nghĩ đến bạo lực thể xác, tinh thần; còn bạo lực tình dục ít được đề cập và còn bị xem nhẹ trong chính sách.
"Chỉ mặt đặt tên" bạo lực tình dục
Dẫn lại hình ảnh cô gái bị nhóm nam thanh niên té nước, trêu đùa, thậm chí sàm sỡ tại Công viên nước Hồ Tây cách đây không lâu, bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho biết, bạo lực nói chung – bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, diễn ra ngang nhiên ở chốn đông người.
Cô gái bị nhóm nam thanh niên té nước tại công viên nước Hồ Tây (Ảnh: Internet) |
Thủ phạm của bạo lực tình dục chủ yếu vẫn là nam giới, địa điểm thường diễn ra ở nhà trường, gia đình, nơi làm việc; hay những nơi thiếu an toàn như công cộng, thiếu ánh sáng, thiếu sự hỗ trợ đối với nạn nhân khi cần thiết. Trong khi đó, thái độ của xã hội còn thờ ơ, coi đó là chuyện bình thường và không có phản ứng hoặc có hành động chống lại.
Theo đánh giá của Phó vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, hậu quả của tình trạng bạo lực tình dục rất nghiêm trọng; ảnh hưởng tới sự phát triển về trí tuệ, tinh thần, thể chất của các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em gái. Nhiều khi nạn nhân không có lối thoát và tìm đến cách tự tử. Có nghiên cứu đã đưa ra con số cho thấy, khoảng 40% nạn nhân nghĩ tới việc sẽ tìm đến cái chết, trong đó có những người tự tử nhưng không thành.
Đâu là nguyên nhân khiến phụ nữ chủ yếu là nạn nhân của bạo lực tình dục? Theo các chuyên gia, những quan niệm truyền thống vẫn đang là tác nhân làm cho bạo lực tình dục ngày gia tăng. Song điều này vẫn còn trong “bóng tối”, xã hội chưa cởi mở, chưa sẵn sàng để có thể tố cáo những đối tượng gây ra bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Những quan niệm quan niệm cho rằng đàn ông có quyền và đàn bà sinh ra là để cho người ta được trêu đùa, chọc ghẹo. Theo bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam dẫn chứng: “Ở Việt Nam có câu Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Bạo lực tình dục được coi là vấn đề nhạy cảm để công khai, trong khi nạn nhân bị chì trích nên đành im lặng”.
“Từ quan niệm như vậy, dẫn đến hành vi này trở nên nặng nề hơn, ảnh hưởng đến nhân phẩm, đạo đức, sức khỏe của phụ nữ. Các quan niệm truyền thống đó đang là một trong những rào cản để thực hiện bình đẳng giới nói chung, cũng như xóa bỏ bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng” – bà Trần Thị Bích Loan nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Bích Loan: "Nhiều nạn nhân của bạo lực tình dục không có lối thoát và tìm đến cách tự tử" |
Bà Trần Thị Bích Loan chia sẻ thêm: Sự lan truyền mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, băng đĩa, hình ảnh những cô gái ăn mặc hở hang, gợi cảm khiến hiều người cho rằng như thế mới phù hợp với thời đại. Nhưng phải chăng những hình ảnh đó dần đi vào tâm thức và cho đó là bình thường, dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực tình dục. Có hiện tượng đưa hình ảnh “mát mẻ” của bạn bè lên mạng xã hội, khiến nạn nhân không chịu được sức ép của dư luận và bản thân không vượt qua được nên đã tìm đến cái chết.
Khoảng trống chính sách
Theo bà Trần Thị Bích Loan, vẫn còn khoảng trống trong các chương trình can thiệp bạo lực trên cơ sở giới. Hiện can thiệp vẫn tập trung vào bạo lực gia đình, bạo lực thể chất; còn những hình thức bạo lực tình dục khác vẫn chưa có con số để minh chứng, phác họa, làm rõ thêm mặc dù hiện tượng này diễn ra rất phổ biến bên ngoài xã hội.
“Bên cạnh đó, các cán bộ tham gia thực hiện chương trình còn thiếu nhạy cảm giới. Khi tiếp cận đối tượng bị bạo lực tình dục, nhiều khi cán bộ đổ lỗi cho họ như “tại vì ăn mặc hở hang”, mà không coi họ là nạn nhân và trợ giúp để họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta cũng chưa có mô hình chuẩn để trợ giúp nạn nhân. Một số chính sách ban hành nhưng khó áp dụng, như bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” – bà Trần Thị Bích Loan nói.
Bà Lê Thị Vân Anh, Vụ pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cũng nhấn mạnh một số bất cập, hạn chế trong luật như chưa có cách hiểu thống nhất về hành vi “giao cấu” trong Bộ luật hình sự. Vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân chưa được nhận thức đúng đắn; chưa quy định là tội phạm hình sự đối với hành vi khiêu dâm trẻ em.
Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về vấn đề tấn công tình dục không nhằm mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục./.
Một số hình thức phổ biến của bạo lực tình dục
- Ép quan hệ tình dục trong hôn nhân hoặc trong khi hẹn hò
- Cưỡng hiếp bởi người lạ
- Cưỡng hiếp có tính hệ thống trong các cuộc xung đột vũ trang
- Kích thích mang tính chất tình dục không mong muốn hoặc quấy rối tình dục (bao gồm cả yêu cầu tình dục để đổi lấy quyền lợi)
- Lạm dụng tình dục đối với người khuyết tật/người tâm thần
- Lạm dụng tình dục trẻ em
- Ép buộc kết hôn/sống chung, bao gồm kết hôn với trẻ em
- Từ chối quyền sử dụng biện pháp tránh thai/biện pháp ngăn ngừa bệnh lan truyền qua đường tình dục
- Ép buộc nạo phá thai
- Hành vi bạo lực chống lại sự nguyên vẹn giới tính của phụ nữ; cắt âm hộ, kiểm tra trinh tiết
- Ép bán dâm và buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục
(Nguồn: Vụ Bình đẳng giới)