Bão số 8 di chuyển với tốc độ 10-15km/giờ
(VOV) -Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của bão số 8, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. TP Đồng Hới có gió giật cấp 7. Kỳ Anh (Hà Tĩnh ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 – 100mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 162mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 135mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 145mm; Tà Lương (Thừa Thiên-Huế) 198mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 136mm …
Hồi 7h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Định – Nghệ An khoảng 130 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 -149 km/h), giật cấp 14, cấp 15.
Đường đi của bão |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 19h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay sát bờ biển các tỉnh Thái Bình – Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 -133 km/h), giật cấp 13, cấp 14.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7h ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km/h), giật cấp 7.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.
Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa nước biển dâng cao từ 3 – 4m.
** Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão sáng 28/10, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, dù còn cách bờ trên 100km nhưng bão Sơn Tinh đã gây gió mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 9 ở các đảo gần bờ (Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư, Cồn Cỏ) và vùng ven biển. Trên đường đi, bão trút lượng mưa phổ biến có các tỉnh ven biển miền Trung 100-200mm.
Giám đốc cơ quan khí tượng cũng cho rằng, cơn bão khi đi sâu vào đất liền sẽ suy yếu nhanh và chỉ còn gió của áp thấp nhiệt đới (dưới cấp 8).
Đến 6h sáng 28/10, tâm bão nằm ngang với vĩ độ của TP Hà Tĩnh, mạnh cấp 13 và vẫn tiếp tục theo hướng giữa tây và tây tây bắc với tốc độ 15km mỗi giờ.
Tại Thanh Hóa, trong đêm qua và rạng sáng nay, trời đã chuyển mưa nặng hạt, gió giật mạnh. Tỉnh Thanh Hoá đã chính thức phát lệnh di dân khẩn cấp. Theo đó, khoảng hơn 12.000 hộ dân với hơn 53.000 nhân khẩu sinh sống cách mép nước 200m thuộc các huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hoá, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Quảng Xương phải được di dời khẩn cấp trong sáng 28/10.
** Tại tỉnh Nghệ An đến trưa 27/10, đã có trên 4.500 tàu, thuyền với hơn 9.000 lao động vào bờ để tránh bão số 8. Hiện toàn tỉnh đang có 34 tàu thuyền khác trên đường vào bờ neo đậu an toàn để tránh trú bão. Lực lượng Bộ đội biên phòng Nghệ An đang tiếp tục dùng các phương tiện thông tin liên lạc để kêu gọi hết tàu cá còn lại vào bờ tìm nơi trú ẩn, đồng thời cấm biển, không tàu thuyền nào được phép ra khơi.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tất cả các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh đã có mặt tại các địa phương để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 8.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh xác định phải tập trung xử lý 6 vấn đề trước khi bão số 8 đổ bộ vào đất liền: Đôn đốc bà con các địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa, lưu ý các hệ thống đường điện, tổ chức chặt tỉa cành cây để tránh đổ ngã; triển khai di dời dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét khi bão đổ bộ vào và mưa lớn; số hoa màu, lúa mùa nào thu hoạch được thì phải thu hoạch ngay. Tôm, cá, ngao, cá lòng, cá bè nào thu hoạch được thì tranh thủ thu hoạch ngay trước khi bão vào; đề phòng ngập úng, vỡ đê, nhất là phải bố trí trực 24/24 tại các tuyến đê xung yếu và các hồ đập đã tích đầy nước để kịp xả khi có mưa lớn nhằm tránh vỡ đập; phải chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch đề phòng bị chia cắt và bị ngập úng lâu dài. Các huyện miền núi cao phải đề phòng bị lũ ống, lũ quét, khi các sông suối dâng cao thì phải cho học sinh tạm nghỉ học; đảm bảo hệ thống giao thông thông suốt trên các tuyến đường giao thông nếu có sự cố sạt lở làm ách tắc giao thông.
Tại vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), là vùng dự kiến bão sẽ quét qua hiện đang mưa lớn, gió giật liên hồi kèm sóng cao. Trước diễn biến bất thường của bão Sơn Tinh, đêm 27 và rạng sáng 28/10, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 600 hộ dân với hơn 3.700 nhân khẩu ở các xã ven biển Quỳnh Phương, Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Long, Tiến Thủy, An Hòa, Quỳnh Nghĩa. Đây là những hộ nằm sát biển nhưng vì chủ quan với bão nên chưa di dời.
Đến 2h sáng 28/10, tất cả các hộ này đã được sơ tán về các trường học, trạm biên phòng và nhà dân một cách an toàn. Tàu thuyền ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã vào bờ trú ẩn an toàn song vẫn còn một số người ở lại tàu vì lo tàu thuyền bị sóng đánh chìm khi bão đổ bộ.
** Do ảnh hưởng của bão số 8, 2 ngày nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 30mm-100 mm, một số nơi như: Tà Rụt, huyện Đăkrông, lượng mưa lên tới 140mm.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, cấp 7. Hiện tại, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang giữ mức an toàn. Tuy nhiên, đề phòng hoàn lưu bão gây mưa lớn có thể xảy ra lũ trong các ngày tới, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương tiếp tục duy trì ứng trực sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng ngập lũ, vùng lũ quét đến nơi an toàn./.