Bảo tàng kỷ vật của người lính

Ban đầu chỉ có vài kỷ vật nhưng đến nay, bảo tàng của ông Vũ Đình Lưu (Nam Định) đã có hơn 1.000 kỷ vật. Từ những quả bom bi, đạn cối, đến các lọ thuốc, hộp đựng kim tiêm… đều được ông bày biện, lau chùi cẩn thận.

Mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh, nhưng gần chục năm nay, ông Vũ Đình Lưu (phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định) vẫn miệt mài đi khắp các chiến trường thu gom hàng nghìn kỷ vật của người lính để lập nên “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh”. “Bảo tàng này không chỉ là ước nguyện của đời tôi, mà còn là sự tri ân những đồng đội đã khuất, đồng thời là món quà vô giá với lớp trẻ …” - ông Lưu tâm sự.

Hồi ức một thời  

Chúng tôi tìm về nhà ông vào một ngày cuối tháng 4. Trời đã quá trưa, nhưng ngôi nhà nhỏ của ông vẫn tấp nập những đoàn cựu chuyến binh và các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Sau khi tiễn một đoàn học sinh tiểu học của thành phố Nam Định, ông vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.

Ông Vũ Đình Lưu bên cạnh "bảo tàng" kỷ vật của mình

Sinh năm 1945 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, Vũ Đình Lưu lớn lên giữa năm đói Ất Dậu lịch sử. Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế - tuyến lửa ác liệt nhất lúc bấy giờ.

Ông Lưu kể, ngày đó ở chiến trường Quảng Trị, máy bay địch ném bom dày như trời trút mưa, cỏ cây còn chết chứ nói gì đến người, ấy thế mà lòng người lính vẫn kiên trung, anh dũng, quyết xông lên chiến đấu. Trong cuộc chiến đó, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với chiến trường. Có người lại phải mang trên mình hàng chục vết thương, mảnh bom, viên đạn của kẻ thù.

Trên người ông hiện vẫn còn 3 mảnh đạn, 3 vết thương, cứ trở trời lại lên cơn đau dữ dội. “Dù sao tôi vẫn còn may mắn được trở về với gia đình, còn rất nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại chiến trường. Dù đã nhiều lần quyết tâm tới bằng được Nghĩa trang Trường Sơn nhưng do vết thương đau âm ỉ, mãi đến tháng 3/2007, tôi mới vào thăm được. Thấy hàng vạn đồng đội vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn, tôi không thể cầm được nước mắt” -  ông Lưu tâm sự.

Từng làm Đại đội trưởng Đại đội trinh sát 312, ông đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, đánh và chiến thắng nhiều cứ điểm quan trọng. Năm 1974, ông bị thương nặng phải chuyển về hậu phương điều trị, sau đó xuất ngũ. Cầm lọ thuốc trên tay, ông bảo: “Cùng năm này, trong cuộc chiến giằng co giữa ta và địch, tôi đã bị thương mất rất nhiều máu, nhưng vui khi đơn vị hạ gục chiếc máy bay C30 của địch, bắt sống tên giặc lái, thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có lọ thuốc đặc biệt có tác dụng cầm máu rất hiệu quả, chỉ cần rắc bột lên vết thương là máu ngừng chảy. Sau khi hồi phục, tôi xin bác sĩ quân y giữ lại lọ thuốc để làm kỷ niệm”.

Tái hiện quá khứ bằng kỷ vật

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh “Bảo tàng kỷ vật” của mình, ông Lưu kể cho chúng tôi nghe cái “duyên nợ” khiến ông lập nên “bảo tàng”. Trong một lần trở lại chiến trường xưa, nơi ông đã cùng đồng đội quần nhau với địch, vô tình ông đào được một cái màn, đôi giày cao cổ và một khẩu súng.

“Tôi cũng đã tham quan nhiều bảo tàng chiến tranh, nhưng dường như các bảo tàng rất ít trưng bày những vật dụng sinh hoạt bình dị của người lính như cái quần đùi, áo lót, cái ca uống nước, lọ thuốc hay mảnh vỡ của máy bay B52… do chính bàn tay họ làm nên. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ sưu tầm tất cả những quân trang, quân dụng, đồ dùng thiết thực với người lính làm bảo tàng ký ức cho riêng mình”, ông Lưu bộc bạch.

Kể từ năm 2004 đến nay, hễ nghe ở đâu có người còn lưu giữ những kỷ vật kháng chiến là ông lại tìm đến. Ông đã từng đi khắp các chiến trường như Bình - Trị - Thiên, Tây Nguyên, Điện Biên Phủ, thậm chí là Đường 9 Nam Lào, Luông Pha Băng, Cánh đồng Chum… chỉ mong tìm lại được những kỷ vật của đồng đội. Nhiều khi ông đi cả tháng, nhanh thì dăm bảy ngày, nhưng khi trở về chỉ có 1, 2 cái áo lót, quần đùi rách hay dăm bảy mảnh đạn pháo... và không phải chuyến đi nào cũng tìm được kỷ vật.

Có lần, ông lang thang vào Quảng Trị tìm kỷ vật, thấy ông đào bới, người dân tưởng ông đào trộm cổ vật nên đã dọa “tịch thu”. “Tôi giải thích mãi họ vẫn không tin, đến khi tôi bảo, vậy tôi cho các bác, các anh những cái quần lót, mảnh màn, vỏ đạn gỉ này các bác có lấy không? Lúc đó họ mới tin”, ông Lưu tâm sự.

Mỗi kỷ vật là một kỷ niệm, thấm đẫm mồ hôi và cả máu, nước mắt của những người đồng đội. Có lần, mải lang thang đi tìm kỷ vật, khi kiểm tra lại ba lô, tiền bạc đã cạn từ lúc nào không hay. Vậy là ông phải “công tác dân vận” để kiếm miếng cơm qua ngày. Vất vả, khó khăn là thế, nhưng ông vẫn thấy vui: “Tôi vui vì mình đã giữ được một phần kỷ vật của đồng đội, hơn nữa là để lưu truyền cho thế hệ trẻ sau này, chí ít chúng cũng hình dung ra ngày xưa ông cha đã phải đánh đổi thế nào để có ngày hôm nay…”.

Ban đầu chỉ có vài kỷ vật nhưng đến nay, bảo tàng của ông đã có hơn 1.000 kỷ vật. Từ những thứ lớn như quả bom bi, đạn cối, đến các lọ thuốc, hộp đựng kim tiêm… đều được ông bày biện, lau chùi rất cẩn thận. Mỗi kỷ vật ai cho, ai tặng, đều được lưu vào sổ rõ ràng. Đặc biệt, với mỗi kỷ vật, ông đều nắm rất rõ lai lịch của nó ở từng trận chiến. Sau nhiều năm ấp ủ, đúng ngày 22/12/2007, ông đã khai trương “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của mình.

Ngoài những kỷ vật ông đã bỏ công mày mò tìm kiếm, cũng có nhiều người khi hiểu được tấm lòng của ông đã mang biếu, làm cho bảo tàng ngày càng phong phú. Chỉ tay về phía hũ gạo ở góc phòng, ông nghẹn ngào: “Đó là cái hũ của một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng gửi tặng. Từ khi tiễn con ra chiến trường, mỗi ngày mẹ bỏ vào đó một hạt gạo để đếm con đã đi xa bao nhiêu ngày, hũ gạo đã đầy, vậy mà con trai mẹ vẫn chưa về…”.

Để tiện cho người xem, ông Lưu chia ra thành 3 loại kỷ vật: Kỷ vật thời bao cấp, kỷ vật kháng chiến chống Pháp và kỷ vật kháng chiến chống Mỹ. Mỗi kỷ vật lại được ông chú thích một cách cẩn thận, rõ ràng về nguồn gốc, ý nghĩa, công dụng của nó… Ví như, trên một tấm ảnh, ông chú thích: Bé Trần Trung có bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, lần sinh nhật đầu tiên, Trung đã được mẹ may cho cái áo mới, được cắt từ chiếc quần đùi bố gửi về. Hiện Trung đang là giảng viên Trường Kỹ thuật quân sự TP. Hồ Chí Minh.

Mỗi kỷ vật trong bảo tàng đều được ông Lưu lập thành 4 bản hồ sơ gửi cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và ông cũng không  quên dành một bản cho người hiến tặng kỷ vật. Hằng tháng, ông báo cáo chi tiết về hiện trạng biến đổi của các kỷ vật trong bảo tàng lên cơ quan chức năng. Để bảo quản kỷ vật được lâu dài, ông Lưu đã mua máy sấy, máy hút ẩm, máy điều hòa, tủ kính... đặt trong phòng.

Chia tay chúng tôi, ông tâm sự: “Trong tháng tới, tôi sẽ lên Điện Biên Phủ để thu thập những kỷ vật thời chống Pháp”. Và tôi biết, với tấm lòng tri ân của mình với đồng đội, ông sẽ còn đi đến khi nào còn có thể thực hiện được tâm nguyện của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên