Bảo tồn rùa biển, chuyện không của riêng ai
VOV.VN - Công tác bảo tồn rùa biển thời gian qua tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Số lượng rùa mẹ về đẻ trứng tăng đều sau từng năm, riêng trong năm 2023, đã có hơn 100.000 rùa con được ấp và thả về biển thành công.
Liên quan đến nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Kiên – Trạm phó trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh (Vườn quốc gia Côn Đảo) và chị Dương Lệ Quyên, tình nguyện viên của tổ chức Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN).
PV: Xin chào ông Trần Trung Kiên, thực tế việc rùa về đẻ, ấp trứng và thả rùa về biển biến động ra sao?
Ông Trần Trung Kiên: Việc này có xu hướng tăng dần theo thời gian, lượng rùa mẹ về đẻ ngày càng nhiều. Thống kê tại trạm Bảy Cạnh, năm 2023 có hơn 1900 tổ, năm 2022 là hơn 1600 tổ và năm 2024 dự kiến xu hướng cũng tăng.
Hiện nay, nhiều người dân và du khách dành sự quan tâm lớn và ủng hộ mạnh mẽ cho công tác bảo tồn. Quá trình bảo tồn rùa biển được tổ chức rất bài bản, có hệ thống với sự hỗ trợ của các tổ chức, trong đó có IUCN hàng năm đã cử các tình nguyện viên phối hợp với trạm kiểm lâm Bảy Cạnh chúng tôi trong quá trình bảo tồn rùa biển.
PV: Những thách thức khó khăn mà chúng ta gặp phải trong quá trình bảo tồn rùa biển cũng như nâng cao nhận thức của người dân, du khách là gì?
Ông Trần Trung Kiên: Thách thức với chúng tôi là vào ban đêm, anh em kiểm lâm và tình nguyện viên gần như thức trắng để thực hiện công tác bảo tồn. Với du khách thì khó khăn nằm ở chỗ khi anh em hướng dẫn xong thì họ nghe đó mà "mơ mơ màng màng", tuy nhiên thời gian qua do công tác quảng bá, tuyên truyền nên họ cũng ý thức tốt hơn.
PV: Chỉ đạo của Kiểm lâm Việt Nam và ban chỉ huy trạm Bảy Cạnh đối với anh em trực tiếp tham gia bảo tồn rùa biển ra sao?
Ông Trần Trung Kiên: Đối với trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh Vườn Quốc gia Côn Đảo thì tất cả anh em đều có tinh thần quyết tâm cao độ, việc bảo tồn rùa đã ngấm vào trái tim, tâm hồn của từng anh em nên ai cũng có trách nhiệm với công việc.
PV: Xin chào chị Dương Lệ Quyên, chị thấy quá trình tình nguyện bảo tồn rùa biển diễn ra như thế nào so với suy nghĩ ban đầu của mình?
Chị Dương Lệ Quyên: Đây là lần đầu tiên của mình và toàn bộ nhóm tình nguyện viên, trước khi đến đây thì tất cả bọn mình đều không biết nhau. Công việc của bọn mình là giúp cho rùa mẹ đẻ trứng, mang trứng về hồ ấp nhân tạo để tăng tỷ lệ rùa con nở và sau đó là thả rùa con về biển.
Công việc này khác rất nhiều so với mình tưởng tượng dù đã có nhiều bạn tham gia và mô tả lại, tuy nhiên khi đến đây mình cảm nhận mọi thứ tuyệt vời hơn và đã có những trải nghiệm rõ rệt và làm thay đổi cái nhìn của mình
PV: Thực tế qua những ngày tình nguyện, chị cảm nhận sự vất vả của các anh em kiểm lâm trực tiếp bảo tồn rùa biển như thế nào?
Chị Dương Lệ Quyên: Con rùa mẹ thường lên đẻ lúc đêm, qua 5 ngày thực tế ở đây chúng tôi thấy các anh phải thức đêm để làm việc, ban ngày vẫn làm chứ không được nghỉ. Việc bảo tồn rùa phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, các anh kiểm lâm ngoài việc canh thủy triều lên xuống nhưng như sáng nay 4h sáng dậy thì trời mưa rất to nên mọi người không thể đi được.
PV: Qua chuyến tình nguyện này thì thông điệp mà chị muốn gửi đến các du khách và người dân cho công tác bảo tồn rùa biển là gì?
Chị Dương Lệ Quyên: Với các tình nguyện viên, tôi mong các bạn sẽ tiếp tục lan tỏa thông điệp về bảo tồn rùa biển đến với mọi người cũng như động viên bạn bè người thân tham gia công tác bảo tồn rùa biển nói riêng, bảo tồn tự nhiên nói chung.
Còn với người dân và du khách, tôi cho rằng với những đóng góp rất nhỏ cũng có thể góp phần bảo tồn rùa biển ví dụ như chỉ cần không xả rác. Thực tế những ngày ở đây bọn mình đã phải nhặt rất nhiều rác, nếu như có nhiều rác trên bãi biển thì rùa mẹ khi lên đẻ trứng sẽ gặp khó, hoặc với rác trôi trên biển thì cũng khiến rùa con khi được thả ra bị mắc lại và chết. Mặc dù tỷ lệ trứng rùa nở có tăng vì có sự hỗ trợ của con người tuy nhiên vẫn chưa phải là quá cao, cho nên rất mong mọi người bằng nhiều cách khác nhau hãy tham gia bảo tồn rùa biển.