Bảo vệ người lao động thế nào trước làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm?
VOV.VN - Dự kiến “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn quý 4 năm nay và quý 1 năm sau. Kế hoạch bảo vệ người lao động ra sao ở những tháng cuối năm này?
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, đã có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng. Dự kiến “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn quý 4 năm nay và quý 1 năm sau. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có kế hoạch bảo vệ người lao động như thế nào ở những tháng cuối năm này?
PV: Thưa ông Trần Thanh Hải! Thiếu đơn hàng, lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tình trạng này buộc các công ty phải cắt giảm lao động. Ông có thể thông tin rõ hơn những chính sách và kế hoạch bảo vệ người lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thời điểm này?
Ông Trần Thanh Hải: Vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ gỗ, một phần dệt may, da giày do bị giới hạn về đơn nhập hàng. Đây là trường hợp bất khả kháng của các doanh nghiệp. Tình hình xảy ra khá lớn, đang trên diện rộng và một lực lượng người lao động rất lớn đang bị chi phối từ những đơn hàng này. Điều quan trọng là khó khăn này rơi vào giai đoạn cuối năm chuẩn bị đón Tết.
Đến giờ này chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp đang rất nỗ lực, chưa tìm được đơn hàng thì cố gắng bố trí lao động. Có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hết phép năm 2022 cho người lao động và tiếp tục ứng phép năm 2023 cho người lao động để giữ chân người lao động ở lại doanh nghiệp và để người lao động có một thu nhập cần thiết để người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này để chờ đợi các đơn hàng của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cho nên, các cấp công đoàn phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phối hợp với người sử dụng lao động để đảm bảo những chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật một cách đầy đủ và tốt nhất cho người lao động. Khi doanh nghiệp không thể giữ người lao động được nữa, các cấp công đoàn phải phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là trong các lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng để người lao động có cơ hội tìm việc làm mới.
Các cấp công đoàn cũng cần động viên người lao động trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều biến động như vậy, người lao động phải chịu khó học tập để chúng ta có những khả năng chủ động ứng phó với những thách thức, những khó khăn mà tình hình có thể diễn ra. Các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến từng hoàn cảnh cụ thể, nếu cả 2 vợ chồng đều rơi vào tình cảnh không có việc làm thì phải quan tâm, nỗ lực để một người có việc làm để mỗi gia đình có một điểm tựa với nhau cùng thực hiện cho tốt.
PV: Nhiều công ty dự báo sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự vào những tháng cuối năm nay, vậy Tổng LĐLĐ VN chủ động có kế hoạch phòng ngừa thế nào ngăn việc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra?
Ông Trần Thanh Hải: Muốn không để xảy ra ngừng việc tập thể giải quyết cho người lao động những khó khăn này thì phải làm tốt chế độ chính sách, phải công khai cho người lao động, để chính người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bởi vì khó khăn này không phải khó khăn doanh nghiệp muốn mà là khó khăn do cơ chế đặt hàng từ phía doanh nghiệp.
Và tương lai theo kỳ vọng chúng ta phải đặt chung với tình hình phát triển kinh tế thế giới. Nếu như tình hình thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn như thế này thì tôi thiết nghĩ rằng khả năng giải quyết không thể một sớm một chiều thay đổi tình hình này được.
PV: Trong trường hợp nhiều người lao động bị mất việc làm như vậy thì quyền lợi người lao động sẽ được đảm bảo thế nào thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Những quyền lợi cơ bản nhất của người lao động khi không còn tiếp tục làm việc, phải đảm bảo thứ nhất là tiền lương những ngày đã làm việc. Thứ 2 là chế độ chính sách khi thôi việc doanh nghiệp phải thực thi làm sao cho tốt. Thứ 3 là đối tượng khó khăn cần có giải pháp khắc phục khó khăn cho nó phù hợp với những người lao động đó để họ cảm thấy hết sức yên tâm, trong hoàn cảnh khó khăn này cả hệ thống chính trị và tổ chức công đoàn luôn sát cánh cùng người lao động thông cảm, chia sẻ và có trách nhiệm với đoàn viên và người lao động.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!