Bảo vệ những rạn san hô ở “đảo ngọc” vùng Bắc Bộ
VOV.VN - Sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn với sự đa dạng sinh học khó nơi nào sánh bằng, năm 2024 quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những lợi thế nổi trội ấy đã khẳng định vị thế cũng như vẻ đẹp tiềm ẩn của quần đảo được mệnh danh là “đảo Ngọc” của khu vực Bắc Bộ.
Một trong những trải nghiệm được khách thăm quan cả trong nước và quốc tế yêu thích nhất khi đi đó là lặn biển ngắm san hô. Thế nhưng, các rạn san hô tại Cát Bà đang bị suy giảm do chịu tác động bởi các hoạt động phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch. Trước thực tế này, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp Vườn quốc gia Cát Bà đã triển khai thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô.
5 quả phao vừa được thả xuống để bảo vệ rạn san hô tại quần đảo Cát Bà. Trước đó, trong 2 năm 2023 và 2024, Vườn quốc gia Cát Bà phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thiết lập hệ thống 23 phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt cần được bảo vệ tại các khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa với diện tích mặt biển khoảng 34 ha. Những quả phao này làm bằng composit, Việt Nam chưa sản xuất được, nên phải nhập khẩu. Giá mỗi quả phao là 3,5 triệu đồng, cộng với hệ thống neo, chi phí 10 triệu đồng cho lắp đặt 1 quả phao.
Được trải nghiệm quá trình thả phao, bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm bảo tồn biển và phát triển cộng đồng (MCD) bày tỏ: "Rất là vui và ý nghĩa. Bởi vì quá trình để hôm nay thả phao là kết quả của quá trình nghiên cứu, lựa chọn địa điểm, cũng như chế tác những quả phao. Ngày hôm nay là dốc mốc quá trình đấy đã được ghi nhận và thể hiện trên mặt biển, tạo động lực về tinh thần cho những người tham gia - ở đây là những cán bộ VQG, những người bảo tồn và kể cả những người dân hôm nay có mặt ở đây đều rất vui vẻ".
Với tổng diện tích hơn 17.000 ha, Vườn quốc gia Cát Bà là nơi chứa đựng giá trị cao về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và đa dạng hệ sinh thái. Đây cũng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và là vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Các rạn san hô tại vườn quốc gia Cát Bà nơi hải sản sinh sản và phát tán nguồn lợi trên biển. Tuy nhiên, các rạn san hô này đang bị suy giảm do chịu tác động bởi các hoạt động như nuôi trồng, khai thác thủy sản; dịch vụ du lịch sinh thái biển...
Nhằm hạn chế sự suy giảm san hô tại Cát Bà, IUCN phối hợp với Vườn quốc Cát Bà thông Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) với nguồn tài trợ của Tập đoàn TH tiến hành khảo sát, giám sát các rạn san hô tại Cát Bà trong nhiều năm. Từ đó đề ra biện pháp quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô. Qua 2 năm (2021-2022) thực hiện chương trình giám sát các rạn san hô tại 3 khu vực (Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng), các kết quả cho thấy độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng nhưng chậm, thành phần loài san hô có độ đa dạng thấp. Trong khu vực đã xác định được tổng số 37 loài san hô thuộc 9 họ. Dựa trên các kết quả giám sát, Vườn quốc gia Cát Bà đã đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô khu vực này, bao gồm: thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô. Trên cơ sở đó, IUCN thông qua VB4E tiếp tục hỗ trợ Vườn quốc gia Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt, cần được bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho rằng, việc thả phao không chỉ nâng cao nhận thức cho người dân và khách du lịch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm tra và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
"Chúng ta thả phao xác định khu vực đó yêu cầu các trạm kiểm lâm ở dưới biển tăng cường kiểm tra, tuần tra ở khu vực, mật động tăng cường sẽ cao hơn. Ngăn chặn, phát hiện, xử lý ngay các trường hợp cố tình đi vào khu vực này để bảo vệ tốt các rạn san hô. Sau khi thả phao các rạn san hô được bảo vệ tốt hơn, đối với các trường hợp tàu thuyền cũng hạn chế vào khu vực, đặc biệt nhận thức của người dân tăng lên, trách nhiệm của cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái tốt hơn"- ông Thịu nói.
Việc thả phao khoanh vùng sinh thái giúp rạn san hô được bảo vệ và phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão Yagi đầu tháng 9 vừa qua, Vườn quốc gia Cát Bà đã bị mất toàn bộ 40 quả phao neo trong hệ thống phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô được lắp từ 2013 và mất 5 quả trong tổng số 12 quả được lắp năm 2023 được tài trợ thông qua VB4E.
Theo ông Nguyễn Đăng Ngải - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển, việc thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà là cần thiết: "Vì số lượng phao có hạn nên lựa chọn những địa điểm cần thiết nhất để bảo vệ rất quan trọng. Sau 2 năm thả phao thấy các hoạt động của con người ảnh hưởng đến rạn san hô đã được giảm thiểu. Đây như là biển cảnh báo để hoạt động tàu thuyền và con người không vào các khu vực có rạn san hô để khai thác, đánh bắt hải sản. Từ đó làm cho các rạn san hô hồi phục một cách tự nhiên và thu hút các loại sinh vật đến trú ngụ, tăng đa dạng sinh học. Cần tăng cường thêm hoặc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư thêm số lượng phao nhiều hơn nữa để bảo vệ các rạn san hô".
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, các rạn san hô tại Cát Bà, Hải Phòng liên tục suy giảm cả về độ phủ, diện tích và số lượng loài. Nhờ những nỗ lực của các đơn vị bảo tồn và chuyên gia, rạn san hô tại Cát Bà đã có dấu hiệu phát triển trở lại.