Bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt, xâm hại trên môi trường mạng

VOV.VN - Thay vì cấm đoán trẻ sử dụng internet, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ sử dụng internet càng sớm càng tốt. Đặc biệt, cần giảng dạy việc sử dụng internet an toàn tại trường học.

Tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch bệnh Covid-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh, thiếu niên sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Vậy ai sẽ là người bảo vệ và giám sát trẻ khi sử dụng internet, nhất là trong những tháng nghỉ hè- thời điểm trẻ không tới trường, có nhiều thời gian để tham gia không gian mạng.

Rất thích tạo clip và đăng lên tiktok, dịp nghỉ hè, Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 7 một trường THCS ở quận Cầu Giấy dành khá nhiều thời gian lên mạng internet để xem và theo dõi những tài khoản mình ưa thích. Quá trình tham gia mạng xã hội, Anh Thư đã vô tình phải xem những clip, hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi học trò.

“Con thấy có những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của chúng con, cụ thể là xuất hiện những quảng cáo với nhiều người ăn mặc hở hang, nói những ngôn từ thô tục không phù hợp, làm ảnh hưởng đến tư duy và suy nghĩ của chúng con”, Anh Thư bày tỏ.

Qua lời kể của Anh Thư, có thể thấy đây là những hình ảnh, video clip quảng cáo với mức độ chưa quá gây shock cho lứa tuổi học trò xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube…

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, ở các thành phố lớn, Việt Nam có đến gần 97% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.

Cũng theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong đại dịch COVID-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình máy tính, ti vi. Trong thời gian này, học sinh học tập, giao lưu nhiều hơn trên mạng Internet, tiếp xúc với nhiều thông tin cả tốt lẫn xấu, giao lưu kết bạn trên thế giới ảo mà không lường hết những hệ lụy có thể xảy ra với bản thân.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững MSD cho rằng, chưa bao giờ xâm hại trẻ em dễ dàng như thế nhờ có sự hỗ trợ của môi trường mạng. Trong khi đó qua thống kê cho thấy chỉ hơn 10% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng; gần 9% cha mẹ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng. Thay vì cấm đoán trẻ sử dụng internet, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ sử dụng internet càng sớm càng tốt. Đặc biệt, cần giảng dạy việc sử dụng internet an toàn tại trường học.

“Số liệu thống kê chúng tôi thực hiện nghiên cứu với 1.700 trẻ em ở 7 tỉnh, thành phố cho thấy, phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet chứ không học từ nhà trường hay từ bố mẹ mà tự học trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè. Nếu như có thì hầu hết các chương trình tại nhà trường thường dạy về khoa học máy tính hay công nghệ thông tin nhiều hơn là dạy về các kỹ năng an toàn trên mạng internet. Độ tuổi sử dụng mạng internet thì ngày càng lớn”, bà Linh nói.

Còn theo Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục Trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) hậu quả để lại của những vụ việc trẻ em tiếp xúc với thông tin xấu độc, bị bắt nạt, xâm hại trên môi trường mạng có thể nặng nề hơn nhiều so với việc bị xâm hại trong cuộc sống thực. Bởi khi những hình ảnh của nạn nhân bị đưa lên mạng thì đó sẽ là “vết tích” lưu lại suốt cuộc đời, không thể can thiệp, tháo gỡ hết. Số nạn nhân không chỉ dừng ở một người bị xâm hại đó làm tất cả những trẻ em xem được những hình ảnh đó cũng chịu hậu quả.

Từ thực tế đã từng tham quan một trung tâm ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm trên internet ở Australia, Đại tá Phan Mạnh Trường cho rằng, cần có mô hình những nhóm phản ứng nhanh để phát hiện liên tục, đối phó với những trang web xấu, độc tại Việt Nam.

“Chúng ta phải rà soát thường xuyên những website độc, xấu, có hình ảnh khiêu dâm thì phải chặn các dải IP đó, có thể xuất phát từ nước ngoài, có thể là ở Việt Nam để các em không có điều kiện tiếp cận các website đó nữa. Ngoài ra, phải cập nhật thường xuyên, bởi khi chúng cập nhật, đổi trang này sang trang khác, từ tên miền này sang tên miền khác, từ dải IP này sang dải IP khác. Khi cập nhật liên tục thì sẽ phản ứng nhanh”, Đại tá Phan Mạnh Trường cho hay.

“Thêm giải pháp nữa là lọc qua trí tuệ nhân tạo. Cứ có nội dung hoặc hình ảnh của trẻ em, trí tuệ nhân tạo sẽ nhận diện được đây là hình ảnh của trẻ em, được phát tán từ đâu, từ dải IP nào. Chúng ta vừa phòng ngừa nhưng cũng là để giải quyết với các cơ quan chức năng của Nhà nước để tìm ra tội phạm”, Đại tá Phan Mạnh Trường cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, hiện nay, công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Vì vậy, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng: Truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức, kèm theo đó là trách nhiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em. Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con một cách tỉ mỉ về việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học của trẻ. Khi trẻ ở tuổi vị thành niên thì cha mẹ phải giám sát chứ không chỉ hướng dẫn đơn thuần, thậm chí phải khóa các kênh có nội dung truyền bá độc hại, luôn làm bạn, lắng nghe, để hiểu, nắm bắt những sự việc diễn ra xung quanh trẻ, từ đó định hướng kịp thời.

“Bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em đã có trong đời thực rồi. Tuy nhiên, trên môi trường mạng thì làm thế nào để từ hành vi, từ tổn hại trên môi trường mạng chuyển sang kết nối, hỗ trợ bằng các dịch vụ làm sao có thể giảm nhẹ những tổn hại đối với trẻ em, đặc biệt là tổn hại về mặt sức khỏe tâm thần, tâm lý, đó là điều rất quan trọng. Cục Trẻ em đang triển khai quy trình kết nối, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ, điều kiện chăm sóc trẻ em một cách đầy đủ và toàn diện để giảm tổn hại cho trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, mà cần sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi cá nhân, đơn vị phải đóng góp vào việc nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ con em mình khi tham gia môi trường mạng. Và trên tất cả, gia đình, nhà trường và người chăm sóc trẻ... phải là những “bức tường lửa” để giúp các em đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng. Bởi nhu cầu tìm hiểu, khám phá của con trẻ trên môi trường mạng là tất yếu và chính các em cũng mong muốn được tham gia môi trường mạng internet lành mạnh và an toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ bạo lực tại trường quốc tế TP.HCM: Một trường ĐH bị đánh giá nhầm 1 sao do giống tên
Vụ bạo lực tại trường quốc tế TP.HCM: Một trường ĐH bị đánh giá nhầm 1 sao do giống tên

VOV.VN - Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết bất ngờ nhận hàng loạt đánh giá 1 sao và bình luận tiêu cực do nhiều người nhầm với trường phổ thông quốc tế tại TP.HCM đang xôn xao vụ bạo lực học đường.

Vụ bạo lực tại trường quốc tế TP.HCM: Một trường ĐH bị đánh giá nhầm 1 sao do giống tên

Vụ bạo lực tại trường quốc tế TP.HCM: Một trường ĐH bị đánh giá nhầm 1 sao do giống tên

VOV.VN - Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết bất ngờ nhận hàng loạt đánh giá 1 sao và bình luận tiêu cực do nhiều người nhầm với trường phổ thông quốc tế tại TP.HCM đang xôn xao vụ bạo lực học đường.

Bộ GD-ĐT đề nghị xác minh, xử lý vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế ở TP.HCM
Bộ GD-ĐT đề nghị xác minh, xử lý vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế ở TP.HCM

VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc tại Trường quốc tế American Academy kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên.

Bộ GD-ĐT đề nghị xác minh, xử lý vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế ở TP.HCM

Bộ GD-ĐT đề nghị xác minh, xử lý vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế ở TP.HCM

VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc tại Trường quốc tế American Academy kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên.

Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em
Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em

VOV.VN - Sáng nay (25/5), tại tỉnh Hòa Bình, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức Hội thảo “Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em

Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em

VOV.VN - Sáng nay (25/5), tại tỉnh Hòa Bình, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức Hội thảo “Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.