Bất bình đẳng và bạo lực giới còn gây nhiều tổn thương
VOV.VN - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được thi hành hơn 13 năm, nhưng ở tỉnh Đăk Lăk, nơi có thành phần dân cư của hầu hết các dân tộc trên mọi miền đất nước, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình vẫn diễn ra, với trung bình mỗi ngần 1.000 vụ việc ghi nhận mỗi năm.
Tình trạng này tiếp tục gây nhiều tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình, tác động trực tiếp tới sự ổn định và phát triển của gia đình - tế bào của xã hội.
Mai Trúc Quỳnh, sinh năm 2005, là thiếu nữ dân tộc Dao tự lập từ rất sớm. 14 tuổi, em đã vào tỉnh Đăk Lăk để tìm việc làm. Sau đó, Quỳnh lên TP. Buôn Ma Thuột cùng với 1 người bạn, tìm được công việc bán quần áo, với mức lương 5 triệu đồng/tháng cùng với ăn ở miễn phí. Chỉ sau 1 năm, Quỳnh đã mua được xe máy riêng, sống tự do và dành được yêu quý của cả bạn bè và gia đình. Thế nhưng, 1 năm tiếp sau đó, cuộc sống của Quỳnh đã rẽ sang một lối khác.
Lấy chồng, sinh con nên cả sự tự do, thu nhập và sự tôn trọng của những người xung quanh đối với Quỳnh, đã không còn như trước. Quá ngột ngạt, nên trong khi mọi người dời Bình Dương về Đăk Lăk tránh dịch, thì Quỳnh lại ngược dòng, bỏ lại chồng con, cắt liên lạc với người thân, xuống Bình Dương tìm cuộc sống mới.
Nguyễn Thị Hương - bạn thân của Quỳnh, bây giờ là cầu nối gần như duy nhất để thông tin về tình trạng của người mẹ trẻ: “Hồi Quỳnh ở nhà, chồng Quỳnh hay đi nhậu, ít đi làm, nên không có tiền bỉm sữa cho con. Mẹ chồng hay nói nhiều, nên Quỳnh không chịu được mà bỏ xuống Bình Dương làm. Hồi Quỹnh mới bỏ đi, tôi cũng hay gọi nói chuyện, nhưng cứ động tới chồng con là Quỳnh im lặng”.
Nếu như câu chuyện của Quỳnh là bi kịch mất bình đẳng xuất phát từ thu nhập và đời sống khó khăn, thì câu chuyện của nhiều chị em khác, lại là vấn đề nam giới cửa quyền, vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội.
Ở tỉnh Đăk Lăk, trừ các cộng đồng dân tộc tại chỗ như Ê-đê, Mơ Nông, Xê Đăng, thì các vấn đề bạo lực giới ở các cộng đồng khác, thuộc hơn 40 dân tộc trong tỉnh, vẫn là điều nhức nhối, như câu chuyện của một phụ nữ ở xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk: “Chồng em là người gia trưởng, ích kỷ, bắt vợ phải sống theo ý mình, không được thoải mái. Cãi qua cãi lại thì cũng có nhưng nhiều lần cũng có đánh. Trước thì mình cũng không đủ tự tin để mình nói cho hàng xóm để giữ sĩ diện cho gia đình. Nhưng nhiều lúc mình cũng bức xúc quá, tức nước quá thì vỡ bờ nhưng nhiều lần như vậy cũng xin lỗi nhưng không thể bỏ nên cuối cùng bức quá thì mình tìm đến Hội phụ nữ, mấy chị em đây để các chị ra tay giúp đỡ”.
Theo bà Phạm Thị Tửu, chủ nhiệm “Câu lạc bộ Phụ nữ và pháp luật” xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar, mất bình đẳng giới và tình trạng bạo lực giới là 2 vấn đề còn xảy ra cả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn làng người Kinh.
Để khắc phục điều này, Ban chủ nhiệm “Câu lạc bộ Phụ nữ và pháp luật” xã Ea Tar thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận chuyên đề; lồng ghép, tuyên truyền tác hại của bạo lực gia đình, phê phán nạn bạo hành trong gia đình, tạo cơ hội cho các cặp vợ chồng cùng tham gia để hội viên có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân và các thành viên trong gia đình.
Bà Phạm Thị Tửu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Trước thì tình trạng bạo lực gia đình của thôn cũng xảy ra rất nhiều, rồi cũng có đơn thư khiếu kiện. Nhưng từ ngày câu lạc bộ của thôn chúng tôi tổ chức cho chị em sinh hoạt rồi tuyên truyền luật phòng chống bạo lực gia đình cho chị em, các anh nam giới, thậm chí các ông trung tuổi, nên tình trạng bạo lực cũng đã giảm”.
Đời sống xã hội ở tỉnh Đăk Lăk mỗi năm lại thêm giàu có, tiến bộ nhưng nữ giới trong các gia đình và xã hội vẫn luôn có nguy cơ bị thiệt thòi. Đặc điểm về giới và thiên chức làm mẹ, chị em không có nhiều thời gian học tập, nghiên cứu, công tác nên lép vế nam giới trong thăng tiến sự nghiệp, ít đóng góp trực tiếp hơn cho kinh tế gia đình nên quyền của chị em không được tôn trọng.
Chính vì vậy, thực hiện bình đẳng giới, giải quyết thực trạng bạo lực giới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, cả trên phương diện pháp luật, kinh tế và văn hóa./.