Bạt mái taluy, xử lý sạt lở ở Yên Bái còn nhiều gian nan
VOV.VN - Sau bão số 3, tại các địa phương của tỉnh Yên Bái xuất hiện hàng nghìn điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở cao đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trước tình hình cấp bách, các địa phương ở Yên Bái đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để người dân chủ động giải pháp xử lý san gạt taluy dương, hạ độ dốc, gia cố sườn đồi nhằm khôi phục lại chỗ ở, phòng chống sạt lở tiếp diễn. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Sau cơn bão số 3, gia đình chị Lương Thị Tân, ở tổ 10, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cũng như nhiều hộ dân khác sống ở khu vực này bị đất đá sạt lở vào nhà gây hư hỏng, trong đó nhà bố mẹ chị Tân ở cạnh bị sập đổ hoàn toàn. Tuy vậy, đến đầu tuần vừa rồi những gia đình ở khu vực này mới tìm được máy móc, phương tiện để hót dọn sạt lở, bạt taluy dương nhằm hạ độ dốc và xử lý các vết nứt. Vừa mới triển khai được mấy ngày thì trời lại mưa xuống.
"Sạt lở nhiều quá họ làm không xuể, không có xe, không tìm được người múc nên toàn phải đi ở nhờ chỗ khác. Bây giờ đang xác định khoảng 6 đến 7 nghìn mét khối, giá cả thì đắt lắm, trước khoảng 60 đến 70 nghìn đồng/1m3 đặc (múc hạ trên đồi xuống), giờ một khối nổi múc lên xe chở đi họ bảo cũng phải tầm giá đấy, đang lo không đủ tiền đánh đây", chị Tân nói.
Nhiều hộ gia đình đất đá đã sạt xuống một phần ở phía dưới, phần phía trên đất bùn còn treo lơ lửng, tạo ra các hàm ếch, có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm. Nhưng do địa hình phức tạp, chật hẹp không thể đưa máy móc vào mà phải thuê các nhóm lao động lên đào, bóc các lớp đất đá, hạ độ cao… Nhưng việc tìm những nhóm thợ đào thủ công cũng khó không kém so với tìm máy múc và giá cả chi trả cho mỗi khối đất được vận chuyển đi cũng rất cao.
Anh Đặng Anh Tuấn, ở tổ 5, phường Minh Tân cho biết: "Ở đây đánh tính theo xe, mỗi xe đất đánh xuống rồi vận chuyển đi là 700 nghìn đồng, mỗi xe chỉ được khoảng 2,5 đến 3 khối thôi. Còn tùy thuộc vào chủ nhận đánh nữa, hôm nào tìm được xe 3 khối thì tốt, nếu chỉ tìm xe chở được 2,5 khối thì mình lại là người chịu thiệt, vì tính tiền theo xe mà".
Còn gia đình bà Phạm Thị Hạnh, ở tổ 7, phường Đồng Tâm dù đã bị sạt lở đất đá vào nhà hơn 1 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai múc đất, hạ taluy.
Nguyên nhân do đường nhỏ, xe to không vào được, xe nhỏ vài ba khối thì khó tìm, giá cả cao đã đành, với khối lượng hàng nghìn khối thì không biết bao giờ mới xong. Do vậy, dù đã ở tuổi 65 nhưng bà Hạnh vẫn cố gắng đi làm theo các nhóm thợ, đào đất thủ công để lo thêm chi phí.
"Bây giờ taluy cao lắm, khối lượng khoảng hơn 1 nghìn mét khối mà vẫn chưa múc được, đang sạt đè ấn vào nhà đây, đi làm thì thôi, chứ về đến nhà là sót hết cả ruột. Đang tính phải mất cả trăm triệu mới múc xong, trong khi vợ chồng tôi không có lương, mà ông ấy thì còn bị tai biến 8 năm nay rồi, tôi nay 65 tuổi vẫn phải đi làm đất kiếm tiền", bà Hạnh nói.
Theo thống kê, sau bão số 3, thành phố Yên Bái có trên 550 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến trên 3.000 hộ dân và một số cơ quan, trường học, chưa kể xuất hiện hàng trăm điểm nứt taluy dương cần phải xử lý, tổng khối lượng đất đá cần múc, hót đi ước tính hàng triệu mét khối.
Riêng tại phường Minh Tân có 66 điểm sạt lở gây thiệt hại, ảnh hưởng đến 357 hộ dân. Tổng số khối lượng đất đá cần đào múc, hót dọn khoảng trên 400 nghìn mét khối.
Sau hơn một tháng nỗ lực mới có 20 điểm được khắc phục, còn lại đang được thi công và nhiều điểm chưa thể làm do những khó khăn như: vướng mắc về đất đai giữa các hộ dân; có những điểm hót dọn, san bạt dự kiến lên đến hàng tỷ đồng, vượt quá khả năng của nhiều gia đình hoặc máy móc thuê để làm rất khó tìm.
Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Hiện nay đối với các điểm sạt lở khối lượng lớn, kinh phí người dân không đảm bảo, qua nắm bắt thì chúng tôi rất hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có chế độ chính sách dành riêng cho việc hót dọn của người dân. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá… sau đó sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét tháo gỡ sớm nhất cho người dân. Tuy nhiên, theo hướng chỉ đạo chung vẫn là tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực, tự hót dọn để nhanh chóng ổn định cuộc sống".
Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết: trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho người dân và nguy cơ sạt lở tiếp tục đe dọa nhiều khu dân cư, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân và các đơn vị thi công san gạt, hót dọn theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương hỗ trợ người dân khảo sát, thiết kế phương án xử lý các sườn đồi, vị trí có khối lượng lớn nhằm vừa giảm độ dốc, vừa đảm bảo an toàn khi triển khai và giảm chi phí.
"Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, trước hết là tự phòng tránh, đối phó với nguy cơ sạt lở đất tiếp tục diễn ra. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương cùng với người dân hót dọn, xử lý các taluy nguy hiểm. Thành phố hỗ trợ người dân về điểm đổ đất sau khi đào múc, hót dọn và người dân cũng phải cam kết sau khi đánh đất phải sử dụng đúng mục đích, tránh việc lợi dụng khắc phục hậu quả cơn bão để đào đất và sử dụng đất sai mục đích", ông Chúc nói.
Sau hơn 1 tháng nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, tại thành phố Yên Bái đã có hơn 130 điểm sạt lở được khắc phục, trên 200 điểm đang được tiến hành.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 200 điểm với hàng trăm hộ dân chưa thể thực hiện dọn đất đá sau sạt lở do những nguyên nhân như: máy móc, phương tiện hạn chế; kinh phí lớn, nhiều nhà mất hết tài sản, nhà cửa sau bão nên gặp khó khăn về kinh tế; khối lượng đất đá cần múc, hót dọn còn nhiều… nên việc hạ độ dốc, xử lý sạt lở taluy sau bão số 3 ở thành phố Yên Bái vẫn còn nhiều gian nan.