Bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5
VOV.VN - Nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra nhằm tăng cường hợp tác, duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực.
Sau hai ngày làm việc tích cực, chiều 12/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ năm về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã bế mạc.
Với gần 40 tham luận và 100 ý kiến thảo luận, hội thảo đã tập trung thảo luận về bối cảnh và diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vai trò của ASEAN, các nước lớn cũng như luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển 1982 nói riêng.
Các đại biểu trong nước và quốc tế đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm giảm bớt khác biệt, tăng cường hợp tác khu vực, phương hướng áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định tại Biển Đông và khu vực.
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, các đại biểu tham dự đã đóng góp một phần khiêm tốn nhưng quan trọng giúp làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề có liên quan, tăng cường nhận thức và đồng thuận chung trong nhiều vấn đề, qua đó góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên và tiến thêm một bước trong tiến trình hợp tác, tìm kiếm giải pháp bền vững, công bằng với tất cả các bên ở Biển Đông, vì lợi của các nước trong khu vực và của cộng đồng quốc tế nói chung.
“Chúng ta đều nhất trí rằng, hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các bên liên quan và của cộng đồng quốc tế nói chung. Một Biển Đông bất ổn không những sẽ gây khó khăn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, làm ảnh hưởng tới quan hệ ASEAN-Trung Quốc mà còn làm phức tạp thêm quan hệ giữa các nước lớn, là điều mà không nước nào mong muốn, dù là nước nhỏ hay nước lớn. Chính vì vậy, tất cả các bên liên quan có lợi ích chung trong việc kiểm soát và làm giảm nhiệt tranh chấp ở Biển Đông”, GS.TS. Lê Minh Tâm nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước luật biển Liên hợp quốc 1982 nói riêng. Đánh giá về quá trình thực thi Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và triển vọng đàm phán và ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các học giả nhận định đã có những tiến triển tích cực.
Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, các quy định của DOC chưa đủ sức mạnh để tạo ra một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hành động của các bên tại Biển Đông. Vì vậy, ASEAN và Trung Quốc nên tích cực tham vấn và đàm phán để đi kết ký kết một Bộ luật ứng xử có giá trị ràng buộc.
Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất với mong muốn đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực./.