Bè nổi trên vịnh Nha Trang hoạt động trái phép đến bao giờ?
VOV.VN - Sau 2 năm từ khi UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định đình chỉ hoạt động đón khách du lịch trên các bè nổi, nhưng các bè nổi vẫn hoạt động.
Từ 2 năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương chấm dứt hoạt động loại hình bè nổi phục vụ khách du lịch ăn uống trên vịnh biển. Thế nhưng, đến nay, loại hình này vẫn ngang nhiên hoạt động tại Vịnh Nha Trang, còn cơ quan chức năng lại lúng túng trong xử lý vi phạm.
Các bè nổi đón rất đông du khách trong và ngoài nước. |
Sau cơn bão số 12 vào cuối năm 2017, hàng loạt bè nổi kinh doanh dịch vụ trên vịnh Nha Trang tập trung về khu vực phía Đông đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.
Tại đây, đang có gần chục bè nổi nằm xen kẽ với các lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân. Các lồng bè rộng từ 300-500 m2, xếp san sát nhau như một thành phố trên biển. Các chủ bè đã kéo điện, kéo nước từ đảo Trí Nguyên ra để kinh doanh.
Mặc dù từ 2 năm trước, UBND Khánh Hòa đã cấm hoạt động vì không đảm bảo an toàn nhưng các lồng bè vẫn hoạt động nhộn nhịp. Mỗi bè nổi có thể đón cùng lúc cả trăm khách cùng ăn uống. Ngay từ trong đất liền khi đang ở trên các tàu du lịch, du khách cũng được mời chào lên bè thưởng thức đặc sản biển đang nuôi trong các lồng bè.
Ông Trần Văn Sơn, một người chuyên vận chuyển khách du lịch trên đảo Trí Nguyên cho biết: “Ở đây giờ tính ra có 5-6 bè nổi. Bè này là người ta làm bán ở bên ngoài. Nhà hàng nổi thì bắt buộc phải cho người ta mượn tiền, phải có vốn nhiều. Kinh doanh, buôn bán mà không cho cano, chủ đò mượn thì không chở khách tới đâu”.
Thấy hoạt động hiệu quả lại không có ai xử lý nên các chủ bè tiếp tục bỏ ra tiền tỷ đầu tư thêm nhà hàng nổi bằng vật liệu composite. Hiện có 5 nhà hàng nổi bằng composite được đặt song song bè nổi cũ nhằm mở rộng diện tích kinh doanh trên biển.
Các bè nổi san sát như khu phố trên biển. |
Ông Toản, chủ một bè nổi phân bua: “Giờ đâu còn nghề gì đâu mà làm. Khách vào ăn vì thoáng, không ô nhiễm, chứ ở trong bờ thì ô nhiễm lắm. Bây giờ làm bè composite thì khách không ngồi, đầu tư xong thì khách toàn xuống bè gỗ ngồi. Có người kiểm tra thì họ mới sang bè composite để đối phó”.
Đáng nói, những nhà hàng nổi bằng composite đều đủ những điều kiện an toàn để đăng kiểm, nhưng hoạt động khi chưa có quy hoạch nên được coi là trái phép. Mặc dù cơ quan chức năng biết rõ các bè nổi hoạt động trái phép nhưng lại cho rằng đang gặp khó trong xử lý.
Các nhà hàng nổi composite mới được đầu tư. |
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, chỉ cần cano của lực lượng chức năng xuất hiện thì các bè nổi lại tạm dừng đón khách.
"Các hộ dân tự phát đóng. Chưa có quy hoạch cho loại hình này, kể cả vùng mặt nước, tiềm ẩn rủi ro cũng rất là lớn. Trước đây, ở Ninh Thuận cũng đã có hiện tượng chìm rồi. Khi đội công tác liên ngành tại hiện trường thường xuyên lại không xuất hiện, đội công tác liên ngành về thì lại có khách” – ông Thái cho biết.
Mùa mưa bão ở miền Trung đang đến, nguy cơ mất an toàn đối với du khách trên các bè nổi lại được đặt ra. Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc xử lý đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công Uỷ ban nhân dân thành phố Nha Trang. Hiện nay mặc dù các huyện rất quyết liệt xử lý nhưng việc tái phát tại Nha Trang vẫn còn. Nguy cơ bão lũ đến, nguy cơ mất an toàn chỗ lại rất cao. Vì vậy, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm tất cả các bè nổi tổ chức ăn uống trên bè để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Các bè nổi hoạt động trái phép.
|
Sau 2 năm từ khi Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có quyết định đình chỉ hoạt động đón khách du lịch trên các bè nổi nhưng các bè nổi vẫn hoạt động, thậm chí còn phát triển rầm rộ. Và ai phải chịu trách nhiệm khi loại hình kinh doanh này tiếp tục tồn tại trái phép./.