Bến Tre gồng mình ứng phó với hạn mặn xâm nhập

VOV.VN - Hiện nay, tình hình mặn xâm nhập diễn biến khá phức tạp, nước mặn bắt đầu tăng dần vào các hệ thống sông lớn bao bọc địa bàn tỉnh Bến Tre. Chính quyền, ngành chức năng và người dân địa phương đang khẩn trương ứng phó với thiên tai. 

 

Hiện nay, nước mặn 4‰ xâm nhập đến địa bàn tỉnh Bến Tre cách cửa sông từ 44 - 53km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52 - 70km. Tại huyện Chợ Lách, trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên nước mặn gần 3 phần nghìn đã xâm nhập trên sông chính đến xã Hòa Nghĩa và Long Thới, Hưng Khánh Trung B, độ mặn gần 2 phần nghìn đã đến xã Tân Thiềng, 1,4 phần nghìn đến xã Phú Sơn, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực trạng này, UBND huyện Chợ Lách đã đề ra 04 Kịch bản và giải pháp ứng phó với thiên tai; trong đó chú trong việc lấy nước ngọt theo từng đợt triều, tăng cường khâu trữ nước ngọt, tổ chức nạo vét các kênh rạch, ao mương, vận động thực hiện trên 200 nắp cống  trữ nước ngọt. Đồng thời địa phương khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở  ven sông vừa xảy ra để ngăn mặn, triều cường tại xã Vĩnh Bình và 10 vị trí sạt lở khác.

Đối với huyện Chợ Lách hiện nay việc cung cấp nước ngọt cho nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng trước nguy cơ hạn mặn là cấp thiết. Những năm qua, người dân rất chủ đồng trong việc đào hàng trăm mương, hồ chứa nước ngọt có khả năng cung cấp nước trong khoảng một tháng.  Ông Bùi Văn Lập, nông dân xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết: “ Cái thứ nhất là mình có ao hồ, với kênh rạch mình có chặn một cống riêng để chứa nước them nữa.  Cái hồ này chứa ngoài 3000 mét khối rồi phía ngoài chứa nước nữa chắc khoảng tưới được 1 tháng”.

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, nước mặn từ biển cũng đang tràn về. Công tác ngăn mặn, trữ ngọt cũng đang được chính quyền và người dân thực hiện quyết liệt để bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái,  mô hình sản xuất cây giống.  Bà Nguyễn Thị  Vinh, nông dân trồng cây giống tại xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc chia sẻ: "Hiện nay tại xã Hưng Khánh Trung A dù có mặn nhưng ở đây có cống. Ở đây tôi cũng có đào hồ, nên khi đóng cống lại thì còn nước mà không biết khi nào hết. Năm nay tình hình này sản xuất cây giống của người nông dân hết sức khó khăn, chí gió thôi mà lá cây khô héo đừng nói chi đến thiếu nước. Mình có dự trữ nước mà đâu có đủ, đến tháng 3 là phải nhờ nguồn nước chở nước bằng sà lan rồi, phải mua nước từ sà lan. Cây giống sầu riêng dính mặn là không cứu được, nó chết dần thôi”.

Cùng với sản xuất thì nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre là vấn đề cấp thiết. Hiện tại, tỉnh Bến Tre có 60 nhà máy xử lý nước do Sở Nông nghiệp-PTNT và Sở Xây dựng quản lý. Đến thời điểm này nước mặn trên 1 phần nghìn đã xâm nhập đến khu vực một số nhà máy xử lý nước. Trước tình trạng này, các nhà máy đã có biện pháp chủ động xử lý nguồn nước nguyên liệu trong điều kiện khó khăn để cung cấp cho khách hàng như: vận hành máy lọc RO, tranh thủ lấy nước ngọt ngoài sông rạch khi độ mặn cho phép, tăng cường công suất hoạt động tại các nhà máy mà nguồn nước chưa nhiễm mặn để “ chia lửa” cho các nhà máy mà nguồn nước mặt xung quanh bị nhiễm mặn.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đang quản lý 32 nhà máy xử lý nước; trong đó có 27 nhà máy đang vận hành cấp nước và 5 nhà máy đã thực hiện hòa mạng để đảm bảo hiệu quả cấp nước cho 98 nghìn hộ dân trong tỉnh sử dụng. Đến thời điểm này, có khoảng 13 nghìn hộ chịu ảnh hưởng mặn có độ mặn trên 1‰, còn lại là dưới 1‰. Trung tâm đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình, đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với người dân xứ dừa, nhiều năm bị ảnh hưởng hạn mặn mùa khô nên đã chủ động trang bị các dụng cụ, phương tiện chứa nước mưa; khi nước mưa hết thì bơm nước máy vào dự trữ.

 Điều thuận lợi trong công tác phòng chống mặn xâm nhập năm nay của Bến Tre là nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, nổi bật như cống Bến Rớ, Tân Phú có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền, sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Toàn tỉnh có gần 1.700 cống ngăn mặn đã khép kín, khống chế nước mặn xâm nhập vào kênh mương nội đồng. Nhờ vậy mà hơn 8.000 ha lúa Đông Xuân ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm năm nay trúng mùa, trúng giá.

Ông Phan Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri nói: “Lúa thì toàn xã bà con gieo sạ 350ha, hiện nay nông dân đang chuẩn bị thu hoạch. Trà lúa thì khá năng suất ổn định, sau khi hệ thống đã được khép kín không còn mặn xâm nhập, thì bà con rất an tâm sản xuất. Bà con nông dân xã Mỹ Hòa rút kinh nghiệm các đợt hạn mặn trước vẫn trữ nước mưa, khi hết nước mưa thì trữ nước ngọt, để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi”.

Hiện nay, tình hình mặn xâm nhập còn diễn biến phức tạp, công tác chủ động ứng phó với thiên tai tiếp tục được các ngành, các cấp và người dân địa phương thực hiện quyết liệt. UBND tỉnh Bến Tre đã có chủ trương triển khai đắp đập tạm Bến Rớ, tạo túi nước ngọt cho trạm bơm Cái Cỏ (công suất 47 ngàn m3/ngày đêm); bơm nước thô ngọt cho nhà máy nước An Hiệp và Sơn Đông, phục vụ cho 2 khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long, TP. Bến Tre và 2 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Triển khai lắp đặt 2 thuyền bơm tại đập tạm Thành Triệu để bơm nước ngọt khi triều thấp vào lưu vực trữ nước Tam Dương và sông Mã để đảm bảo nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sơn Đông.  Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre kết hợp với huyện Châu Thành và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các cống dọc sông Hàm Luông và sông Tiền để tích trữ nước ngọt vào nội đồng, các khu vực trữ nước hợp lý, đảm bảo nước không bị nhiễm mặn; tăng cường kích hoạt  hệ thống lọc mặn RO tại các nhá máy nước, công suất thấp nhất 2m3/giờ và cao nhất 10m3/giờ sẵn sàng hoạt động để người dân có nhu cầu đến lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Chúng tôi rất quan tâm đến nhà máy xử lý nước lớn của tỉnh là nhà máy nước Xuân Đông và nhà máy để cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp. Cho nên chúng tôi đã chỉ đạo lấp cái đập Thành Triệu mấy năm nay tranh thủ nước ngọt chứa vô ngay dòng sông để đảm bảo cho nhà máy nước Xuân Đông hoạt động và điều tiết cho các nhà máy khác trong tỉnh. Mới đây chúng tôi đã cho đắp một cái đập Cái Cỏ d936 đảm bảo cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, lượng nước chúng tôi trữ lại đảm bảo cho các nhà máy nước lớn hoạt động”.

Có thể nói công tác ứng phó với hạn mặn ở tỉnh Bến Tre hiện nay rất khẩn trương, quyết liệt, bắng các giải pháp, công trình cụ thể, bám sát tình hình thực tế của xứ dừa với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Qua đó tin rằng, Bến Tre sẽ  giảm được thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân Tiền Giang vừa vui Xuân vừa chống mặn
Người dân Tiền Giang vừa vui Xuân vừa chống mặn

VOV.VN - Những ngày Tết cổ truyền Giáp Thìn, các sông, rạch vùng hạ nguồn của tỉnh Tiền Giang bị nước mặn xâm nhập sâu. Chính quyền và người dân vừa đón Xuân, vui Tết vừa khẩn trương ứng phó với nước mặn.

Người dân Tiền Giang vừa vui Xuân vừa chống mặn

Người dân Tiền Giang vừa vui Xuân vừa chống mặn

VOV.VN - Những ngày Tết cổ truyền Giáp Thìn, các sông, rạch vùng hạ nguồn của tỉnh Tiền Giang bị nước mặn xâm nhập sâu. Chính quyền và người dân vừa đón Xuân, vui Tết vừa khẩn trương ứng phó với nước mặn.

Mặn đã áp sát Cù lao Dài của Vĩnh Long
Mặn đã áp sát Cù lao Dài của Vĩnh Long

VOV.VN - Cù lao Dài nằm giữa sông Cổ Chiên với diện tích khoảng 4.000 ha, gồm 2 xã là Thanh Bình và Quới Thiện thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cù lao này nằm cách biển khoảng 50 km mấy ngày nay đã xuất hiện độ mặn. Người dân địa phương đang triển khai các biện pháp phòng chống nước mặn xâm nhập.

Mặn đã áp sát Cù lao Dài của Vĩnh Long

Mặn đã áp sát Cù lao Dài của Vĩnh Long

VOV.VN - Cù lao Dài nằm giữa sông Cổ Chiên với diện tích khoảng 4.000 ha, gồm 2 xã là Thanh Bình và Quới Thiện thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cù lao này nằm cách biển khoảng 50 km mấy ngày nay đã xuất hiện độ mặn. Người dân địa phương đang triển khai các biện pháp phòng chống nước mặn xâm nhập.