Bến Tre: Kè mềm giảm sóng, gây bồi bảo vệ bờ biển chi phí thấp, hiệu quả cao
VOV.VN - Để bảo vệ bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng, tỉnh Bến Tre đã thực hiện thí điểm dự án “Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú" Qua 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy hiệu quả.
Năm 2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư dự án kè giảm sóng tại bờ biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú với kinh phí khoảng 14,8 tỷ đồng. Dự án kè mềm bằng giải pháp lắp đặt các túi Geotube theo kết cấu: mỏ hàn vuông với đường bờ biển và kè giảm sóng đặt song song cách bờ biển khoảng 100 mét, chiều dài tuyến kè giảm sóng trên 1.100 mét. Các túi Geotube được bơm đầy cát để làm nhiệm vụ ngăn sóng, gây bồi phía trong.
Qua 2 năm đưa vào sử dụng, khu vực này không còn sạt lở, bãi bồi liên tục mở rộng, nâng cao và ổn định, mức độ bồi từ 0.30-1.20 mét so với trước đây. Hệ sinh thái: động vật, cây rừng tự nhiên bắt đầu tái tạo trên lớp cát bãi bồi. Khu vực gây bồi không chỉ làm nhiệm vụ chống sạt lở, bảo vệ đất ven biển mà còn tạo cảnh quan để phát triển du lịch biển. Riêng các túi Geotube chi phí thấp, có độ bền cao, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tại, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong chia sẻ: “Kè mềm này mang lại hiệu quả, đã chống sạt lở, chắn sóng. Địa bàn xã Thạnh Phong mấy năm nay sạt lở ít, các năm trước rất nhiều. Do có kè mềm đất được bồi lắng, bồi tụ”.
Sau khi gây bồi, các ngành chức năng địa phương tiếp tục thực hiện công tác quản lý, trồng rừng phòng hộ, bảo vệ thành quả của dự án. Thành công của dự án kè chắn sóng bảo vệ bờ biển cồn Bửng, xã Thạnh Phong còn có yếu tố kỹ thuật, xác định địa chất, dòng chảy, hướng gió và vật liệu làm túi Geotube phải có độ bền cao.
Ông Phạm Văn Mẹo, Tổng giám đốc công ty cổ phần nhựa Đại Hưng (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) – doanh nghiệp cung ứng túi Geotube cho biết, túi nhựa này có khả năng chịu lực cao, độ bền hơn 10 năm rất phù hợp để kè đê sông, đê biển.
“Túi kè mềm này được chúng tôi đầu tư thiết bị, máy móc rất hiện đại. Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu để chất liệu phải bền với thời gian. Công trình này được bảo hành 10 năm. Hiện nay đã kè được hết các điểm sạt lở, kể cả sạt lở các bờ sông. Khi bơm cát vào sẽ chống dòng chảy”, ông Mẹo cho biết thêm.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều từ biển Đông làm thay đổi dòng chảy, bờ biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bị xâm thực nghiêm trọng. Trong 4 năm qua, nước biển xâm nhập vào bờ khoảng 100 mét, bờ biển bị sạt lở dài trên 10km, làm mất đất của người dân khoảng 100ha tập trung ở 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải. Do đó giải pháp xây kè mềm chắn sóng, gây bồi là hiệu quả nhất so với các giải pháp công trình khác, nhất là tiết kiệm chi phí.
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Bến Tre cho biết thêm: "Dự án này đã đi thực địa, đã thấy trực quan, rất phù hợp với điều kiện thủy văn, điều kiện môi trường thực tế. Bước tiếp theo phải hình thành hệ sinh thái mới ở nơi đấy và việc quản lý, vận hành phải phát huy hiệu quả của dự án giai đoạn 1 cũng như giai đoạn tiếp theo. Để ứng dụng kè mềm này trong tương lai, ngành sẽ cân nhắc, tùy vào tình hình sạt lở, và cân đối nguồn vốn, điều kiện thủy văn, hải văn tại khu vực sạt lở kết hợp với đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp phù hợp”.
Theo ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre, bờ biển của tỉnh dài 65km; trong đó có 18km bị sạt lở. Nếu xây kè cứng (kè bê tông) phải cần từ 60-80 tỷ đồng/km; trong khi đó kè mềm bằng túi Geotube tiết kiệm kinh phí hơn rất nhiều. Do đó, thành công của dự án Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một sự lựa chọn để địa phương có thể tiếp tục áp dụng khắc phục xói lở tại các khu vực khác./.