Bệnh lao: Gánh nặng kép đè lên vai bệnh nhân nghèo
VOV.VN - Bệnh lao có thời gian điều trị từ 6-9 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, gây ra áp lực kinh tế nặng nề cho nhiều bệnh nhân và gia đình. Bệnh lao tạo nên gánh nặng kép, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, mà gia đình của họ cũng đối mặt với áp lực về kinh tế, cùng với đó là mối lo thường trực như giảm thu nhập, rơi vào tình trạng nghèo đói do bệnh tật.
70% số bệnh nhân mắc lao là người hạn chế về điều kiện kinh tế
Việt Nam hiện nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 169.000 người mắc bệnh và 13.000 người tử vong mỗi năm (báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, 2022). Đáng chú ý, khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế lẫn điều kiện sống (theo thống kê của Bộ Y tế năm 2023).
Điều kiện vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân chính khiến vi khuẩn lao dễ dàng lây lan. Những khu vực chật chội, ẩm thấp, dân cư đông đúc và hệ thống thông gió không đảm bảo là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đối với những người vô gia cư hoặc không có chỗ ở ổn định, các yếu tố như thiếu dinh dưỡng và sức đề kháng suy giảm cũng làm tăng nguy cơ mắc và phát bệnh lao.
Với nhóm dân số sống tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, các khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế như không có phương tiện đi lại, khoảng cách di chuyển tới cơ sở y tế, rào cản ngôn ngữ và văn hóa đối với các dân tộc thiểu số cũng khiến nhiều bệnh nhân không thể khám hoặc điều trị kịp thời. Không có đủ thông tin về bệnh và các chính sách hỗ trợ gia tăng khoảng cách trong tham gia điều trị khi người mắc bệnh là trụ cột lao động trong gia đình, tạo ra những e ngại về phải dừng làm việc trong quá trình điều trị hoặc chi phí chữa bệnh nằm ngoài khả năng chi trả.
Tất cả những yếu tố này không chỉ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mà còn tạo ra vòng xoáy nghèo đói và bệnh tật, đẩy các gia đình vào tình trạng khó khăn hơn.
Gánh nặng chi phí – nỗi lo của bệnh nhân lao nghèo
Bệnh lao không chỉ là gánh nặng sức khỏe mà còn là áp lực kinh tế lâu dài cho các gia đình bệnh nhân, đặc biệt là những hộ nghèo. Theo thống kê, 63% gia đình bệnh nhân lao phải đối mặt với "chi phí y tế thảm họa" – được xác định khi chi phí dành cho toàn bộ các hoạt động chăm sóc sức khỏe vượt quá 20% thu nhập hằng năm, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ.
Tác động kinh tế của bệnh lao thể hiện rõ qua những con số đáng lo ngại: 26% bệnh nhân phải ngừng làm việc trên 6 tháng do sức khỏe suy giảm, 5% buộc phải bán tài sản để trang trải viện phí, và 17% phải vay nợ để tiếp tục điều trị, trong khi thu nhập trung bình của họ giảm đến 25%.
Một trong những nội dung quan trọng trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 của Tổ chức Y tế Thế giới là đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage - UHC) đó là tất cả mọi người đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn, chất lượng, bất cứ khi nào họ cần mà không gặp gánh nặng về tài chính. Tuy nhiên, đối với bệnh lao, vẫn tồn tại những khoảng trống để đạt được UHC khi chi phí y tế tạo ra gánh nặng quá lớn cho người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quản lý Chương trình Sức khỏe và An Sinh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), nhấn mạnh: “Mặc dù chi phí điều trị lao đã được bảo hiểm y tế chi trả, vẫn cần thêm sự hỗ trợ để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình. Khi áp lực kinh tế giảm bớt, tỷ lệ tuân thủ điều trị của bệnh nhân sẽ tăng, qua đó ngăn chặn nguy cơ lao kháng thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn".
Những chính sách hỗ trợ thiết thực không chỉ là giải pháp y tế mà còn góp phần đảm bảo sự ổn định cho những gia đình chịu ảnh hưởng bởi bệnh lao, tạo tiền đề cho sự hồi phục toàn diện cả về sức khỏe và đời sống kinh tế.
Chính sách hỗ trợ - Động lực giúp bệnh nhân lao vượt khó
Chính sách bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị bệnh lao được đánh giá là bước đi nhân văn, giúp giảm gánh nặng tài chính và đảm bảo quá trình điều trị không bị gián đoạn. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ y tế, việc triển khai các chương trình hỗ trợ xã hội cũng là yếu tố quan trọng, giúp bệnh nhân lao và gia đình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ bao gồm những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp trở ngại về giấy tờ tùy thân, thiếu thẻ bảo hiểm y tế, sống tại các khu vực xa xôi hoặc gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Những hỗ trợ này không chỉ tạo điều kiện để người bệnh tiếp cận điều trị mà còn khuyến khích họ tuân thủ liệu trình, giảm nguy cơ lây lan và tái phát bệnh.
Bà Kim Dung nhấn mạnh: “Để đảm bảo người bệnh được chữa khỏi và không bị gián đoạn điều trị, chúng ta cần những chương trình hỗ trợ cụ thể hơn, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh và công bằng hơn".
Bên cạnh đó, việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào chương trình phòng, chống bệnh lao được xem là giải pháp dài hạn, không chỉ giúp bệnh nhân giảm gánh nặng kinh tế mà còn ổn định cuộc sống, hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao trong cộng đồng.