Bệnh nhi ăn Tết tại viện chỉ biết nhìn Tết quê qua chiếc “smart phone”

VOV.VN - Tết của bệnh nhi ở viện dù có người thân bên cạnh, nhưng trong các em trào dâng một nỗi nhớ nhà. Với một chiếc điện thoại, các bé chỉ có thể gọi điện về quê, nhận lời chúc mừng năm mới từ người thân…

Những ngày Tết, không khí làm việc tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương không khác với ngày thường là bao. Bên ngoài phòng bệnh, các bác sĩ bàn giao ca trực, trường hợp nào cần phải theo dõi, trường hợp nào sẽ phải cho thuốc và hoá chất trước….

Bên trong phòng bệnh, có những bệnh nhi vừa truyền hoá chất, đôi mắt ánh lên vẻ mệt mỏi. Có những cháu nhỏ chạy loăng quăng ra quầy nô đùa với các bác sĩ.

Em Phạm Minh Quang (Tuyên Quang) bị bệnh bạch cầu cấp từ cuối năm 2018, khi đó em đang là học sinh lớp 3. Bệnh tật khiến việc học tập của Minh Quang gián đoạn, nhẽ ra em đã là học sinh lớp 9, nhưng ốm và nghỉ học liên tục, Quang mới đang theo học lớp 7.

Đây là năm thứ 6, Minh Quang điều trị bệnh tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Sau thời gian điều trị duy trì, đến tháng 10/2024, bệnh tái phát, Minh Quang lại quay trở lại viện để điều trị tiếp.

Chị Triệu Thị Hà (mẹ Quang) cho biết, năm 2019 cả 2 mẹ con chị đều ăn Tết ở viện. Đây là lần đầu tiên 2 mẹ con ăn Tết xa nhà. Buồn lắm nhưng phải chấp nhận. Con bị bệnh, mọi việc sắm sửa Tết của gia đình cũng hạn chế.

Chị Hà nói: “Ngày Tết ai cũng muốn được về quê đoàn tụ, nhưng vì sức khỏe của con nên cả 2 mẹ con cùng cố gắng”.

Con ốm, chồng cũng bệnh tật. Chị Hà không thể phân thân vừa chăm con vừa chăm chồng, nên ông bà nội ở nhà chăm chồng, mẹ con chăm nhau ở viện.

Chăm con, thấy mái tóc trên đầu con rụng dần, lòng người mẹ tê tái. Có những hôm qua đợt điều trị, con được về nhà, nhưng vì mái tóc đã rụng, Quang chỉ đội mũ chơi ở trong nhà, bởi em sợ các bạn cười mình. Lúc đó chị Hà cũng chỉ biết động viên con cứ tự tin chơi với các bạn.

Hay có những hôm chị giấu những giọt nước mắt vào trong khi con hỏi mẹ những điều mà mẹ không thể trả lời.

“Khi con thấy vết bầm tím trên tay đã mất, con hồn nhiên bảo mẹ rằng, mẹ ơi con khỏi bệnh rồi, con sắp được ra viện rồi đúng không ạ. Lúc đó tôi chỉ biết khóc, vì con còn bé quá”, chị Hà tâm sự.

Năm mới, niềm mong mỏi lớn nhất của chị Hà đó là con được khỏe mạnh, con khỏe thì cả nhà mới ăn Tết vui vẻ được.

Trong những ngày ăn Tết tại viện, Phạm Minh Quang chỉ dâng lên một nỗi nhớ nhà, nhớ bố, nhớ chị gái và ông bà. Tết, các bạn cùng phòng bệnh có người về, có người ở. Quang có mẹ bên cạnh bầu bạn. Thấy mẹ buồn, em lại “cù lét” để chọc cười mẹ. Thỉnh thoảng, hai mẹ con lại cầm điện thoại, gọi điện về cho người thân ở quê.

“Ăn Tết ở viện được các bác sĩ và nhà hảo tâm lì xì, nhưng em buồn và nhớ nhà lắm. Không có bạn chơi, em lại cầm điện thoại gọi điện cho ông bà…”, Quang nói.

Cùng trường hợp, em Ngô Kim Thanh (Lục Ngạn, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu từ tháng 4/2024. Đây là đợt thứ 5, Thanh điều trị hóa chất theo phác đồ của bác sĩ. Đợt mới vào viện, Thanh bị sốt cao, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian gần đây, cơ thể của em cũng đã bắt đầu làm quen với thuốc.

Chị Lục Thị Lai (mẹ Thanh) cho biết, vào tháng 4 năm ngoái, lúc chị đi làm về thấy con sốt. Nghĩ là bệnh cảm thông thường, đã cho con uống thuốc nhưng 2-3 ngày cơn sốt vẫn chưa cắt được, em vẫn sốt 39-40 độ. Thấy vậy gia đình đưa con xuống bệnh viện huyện chụp chiếu, xét nghiệm thì bác sĩ chẩn đoán con bị bạch bầu cấp. Lúc đó gia đình phải làm giấy chuyển tuyến để đưa con ra Hà Nội thăm khám.

Từ một cô bé lanh lợi hoạt bát, nhưng bệnh tật đến bất ngờ, Thanh trầm tính, dễ tủi thân. Chắc có lẽ trong đầu cô gái bé nhỏ này đã hiểu về căn bệnh của mình, để được trở về nhà, được học hành như trước đây chắc có lẽ sẽ cần rất nhiều thời gian.

Lần đầu ăn Tết xa nhà. Thanh buồn lắm. Em chỉ mong sao bản thân được khoẻ mạnh để được ăn Tết ở quê, được dọn dẹp nhà, trang hoàng nhà cửa và đi chợ Tết cùng mẹ như trước đây.

2-3 năm trở lại đây, tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương điều trị khoảng từ 100-110 bệnh nhân nhi ở lại viện trong dịp Tết.

Theo bác sĩ Trần Thanh Tùng, làm việc tại khoa bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, các bạn ở lại thường mắc bệnh bạch cầu cấp. Bởi đa phần các cháu vẫn còn đang dang dở quá trình điều trị hóa chất, thông thường phác đồ điều trị này khoảng 1 tháng/đợt. Có những bạn vừa mới được chẩn đoán mắc bệnh phải tiến hành điều trị hóa chất càng sớm càng tốt, cũng có những bệnh nhân đã điều trị lâu năm nhưng bị nhiễm khuẩn, tái phát hay có những diễn biến nặng như viêm phổi hay tình trạng sức khỏe không tốt cũng phải ở lại viện để theo dõi.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng cho biết: "Năm nào cũng vậy, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để các cháu được về nhà ăn Tết, trừ những trường hợp nặng phải ở lại. Mọi điều kiện về thuốc men, kỹ thuật, vật chất đều được đảm bảo".

Không chỉ tập trung điều trị, bệnh viện còn chú trọng chăm sóc tâm lý cho các bệnh nhi, giúp các em có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua bệnh tật. Hàng năm, viện cũng kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng để mang đến một cái Tết ấm áp cho các em nhỏ.

Đừng vội làm đẹp cấp tốc mà “mất” luôn Tết

VOV.VN - Cận Tết nhu cầu làm đẹp tăng đột biến. Chính điều này, nhiều người sa đà vào tìm kiếm phương pháp làm đẹp cấp tốc, tin theo quảng cáo chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội dẫn đến các biến chứng nặng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

6 năm liên tiếp công an Đắk Nông tiếp sức người dân về quê đón Tết
6 năm liên tiếp công an Đắk Nông tiếp sức người dân về quê đón Tết

VOV.VN - Năm thứ 6 liên tiếp, lực lượng công an Đắk Nông triển khai chương trình “đồng hành cùng người tham gia giao thông”, phát nước uống, khăn lạnh, đồ ăn nhẹ và sửa xe máy, đổ xăng… giúp đỡ người dân trên đường về quê đón Tết Nguyên đán.

6 năm liên tiếp công an Đắk Nông tiếp sức người dân về quê đón Tết

6 năm liên tiếp công an Đắk Nông tiếp sức người dân về quê đón Tết

VOV.VN - Năm thứ 6 liên tiếp, lực lượng công an Đắk Nông triển khai chương trình “đồng hành cùng người tham gia giao thông”, phát nước uống, khăn lạnh, đồ ăn nhẹ và sửa xe máy, đổ xăng… giúp đỡ người dân trên đường về quê đón Tết Nguyên đán.

Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch
Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch

VOV.VN - Ngày 22/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp vừa cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch

Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch

VOV.VN - Ngày 22/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp vừa cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Ngày Tết đề phòng ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Listeria trong thịt nguội
Ngày Tết đề phòng ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Listeria trong thịt nguội

VOV.VN - Listeria đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 20 -30% trong số bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn này. Các loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Listeria là thịt nguội, cá hồi xông khói, phô mai, sữa...

Ngày Tết đề phòng ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Listeria trong thịt nguội

Ngày Tết đề phòng ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Listeria trong thịt nguội

VOV.VN - Listeria đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 20 -30% trong số bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn này. Các loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Listeria là thịt nguội, cá hồi xông khói, phô mai, sữa...