Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết có nguy hiểm?

VOV.VN - Theo BS. Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, các ca sốt xuất huyết nặng ở nhà chủ yếu do bố mẹ chủ quan. Khi thấy con hết sốt bố mẹ nghĩ khỏi bệnh nhưng khi đó mới là giai đoạn giảm tiểu cầu, nguy hiểm.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đang điều trị cho khoảng 7 trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có một số tình trạng nặng.

Bé M.T, 14 tuổi, ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) mắc sốt xuất huyết đến ngày thứ 5 mới được bố mẹ đưa vào bệnh viện khám. Lúc này, trẻ trong tình trạng tràn dịch nhiều cơ quan như ổ bụng, màng phổi, tinh hoàn. Kèm theo đó là tiểu cầu giảm, chảy máu mũi, chân răng... Bé được các bác sỹ điều trị tích cực kịp thời nên hiện tình trạng sức khỏe đã ổn định và được chuyển xuống phòng chăm sóc bình thường.

BS Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, mặc dù bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà bởi bệnh có diễn biến theo chu kỳ và tự khỏi, tuy nhiên, các bác sỹ lưu ý, các ca sốt xuất huyết nặng ở nhà chủ yếu do bố mẹ chủ quan. Khi thấy con hết sốt bố mẹ nghĩ khỏi bệnh nhưng khi đó mới là giai đoạn giảm tiểu cầu, nguy hiểm.

Vì vậy, BS Mai cho rằng, cần theo dõi tình trạng mệt của con. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Đặc biệt, trong ngày thứ 4 của chu kỳ nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc.

"Chỉ số tiểu cầu ở mức bình thường là 140-150. Dưới 50 là nguy hiểm. Nếu thấy trẻ có xuất huyết một số nơi đưa trẻ phải vào viện ngay. Tuy nhiên có trường hợp trẻ có thể tiểu cầu chưa giảm đến dưới 150 nhưng đã có xuất huyết thì vẫn nguy hiểm. Vì vậy để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám, nếu trẻ mệt nhiều nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời bệnh"- BS. Mai khuyến cáo.

Theo BS Mai, khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, không nên cho trẻ kiêng tắm vì đây là cơ hội để trẻ nhiễm bệnh khác như nấm. Một số cha mẹ còn kiêng ăn cho trẻ là không nên vì không đủ năng lượng, sức khoẻ, chống lại bệnh tật cũng như để tiểu cầu không bị giảm quá.

“Dinh dưỡng cho trẻ sốt xuất huyết cần bổ sung nhiều nước kể cả khi hết sốt. Giai đoạn tiểu cầu đã giảm nên ăn đồ ăn dễ tiêu, đồ ăn lỏng”- BS Mai cho biết.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng.

Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện và 395/579 xã, phường, thị trấn.

Thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết dưới sự hỗ trợ của FDA Thái Lan, đến thời điểm hiện tại, đã có 1.500 túi dịch truyền Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết cho Việt Nam trước diễn biến gia tăng ca mắc của dịch bệnh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên