Bệnh ung thư đang gia tăng báo động, làm 70.000 người chết mỗi năm
VOV.VN - Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới về ung thư, trong đó có nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, trong thời gian qua, việc kiểm soát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm còn không ít tồn tại, yếu kém. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. |
Báo động bệnh ung thư
Báo cáo cho thấy, giai đoạn 2011 – 2016, trung bình 1 năm có 167,8 vụ NĐTP, với gần 5.100 người mắc; và 27 người chết do NĐTP.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận 07 bệnh truyền qua thực phẩm làm 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết. Tính trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết.
Trong đó, bệnh ung thư có diễn biến tăng “báo động”, khi mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
Trong quá trình giám sát, về quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu, phát hiện nhiều vi phạm, trong đó, tỷ lệ vi phạm về tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau.
Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm 97%; tình trạng chung là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, giết mổ, pha lóc, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường và mất ATTP.
Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa được chú trọng nên rất khó đánh giá mức độ ATTP.
Tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt; đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng.
Xử lý “hời hợt”
Theo báo cáo, mặc dù các đơn vị, địa phương thời gian qua đã có tiến hành xử lý. Nhưng việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe.
Đáng chú ý, ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.
Việc thực thi pháp luật còn hình thức, dàn trải, việc công khai thông tin chưa tốt, xử lý chưa nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra tuy có tăng theo hằng năm nhưng chưa bao quát đối với tất cả loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm (chỉ đạt khoảng 40% năm). Xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu là xử phạt hành chính, khắc phục lỗi; việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm hoặc xử lý hình sự còn ít nên chưa bảo đảm tính răn đe; kiểm tra, xử lý về VSATTP chưa thực sự triệt để, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công.
2 kiến nghị gửi Quốc hội và Chính phủ
Từ những tồn tại nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu những kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ.
Theo đó, Quốc hội, cần ban hành Nghị quyết kết quả hoạt động giám sát về đẩy mạnh việc thực thi chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 – 2020; xem xét sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý ATTP; yêu cầu Chính phủ hàng năm phải báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm vào kỳ họp cuối năm.
Đối với Chính phủ, sớm hoàn thiện các văn bản QPPL theo hướng tránh bất cập, chồng chéo, không khả thi; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý ATTP.
Chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các bộ ngành đối với những tồn tại bất cập thuộc lĩnh vực quản lý; khắc phục các tồn tại, yếu kém và thực hiện các kiến nghị, giải pháp được Đoàn giám sát nêu trong báo cáo giám sát..../.