Bệnh viện thiếu thuốc, cả bác sỹ và người bệnh gặp khó
VOV.VN - Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế... xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Tình trạng này khiến cho cả đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện lẫn người bệnh đều gặp nhiều khó khăn khi không có thuốc điều trị.
Bị bệnh dạ dày nhưng nhiều lần lặn lội đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang tái khám BHYT, bà Hồ Thị Cước ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh vẫn chưa nhận được thuốc để điều trị căn bệnh của mình. Để giảm bớt cơn đau, bà buột phải mua những loại thuốc mình cần ở nhà thuốc bên ngoài.
“Dạ dày bị loét, nội soi, tuần rồi không có thuốc uống, hôm nay tôi lên lĩnh thử coi có không để uống, vậy mà không có thuốc, chỉ có thuốc huyết áp. Mấy tháng trước bị đau lên lĩnh thuốc cũng không có. Mua ở ngoài uống chứ đau muốn chết, uống 10 ngày là tốn 500.000-600.000 đồng”- bà Cước than.
Theo Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, tình trạng thiếu thuốc ở bệnh viện diễn ra từ tháng 3 đến nay, đặc biệt là các thuốc trị viêm gan, ung thư, kháng đông, kháng sinh, thuốc tiểu đường, thuốc an thần...
"Chúng tôi rất khổ tâm, tội nghiệp hoàn cảnh của người bệnh khi mà người bệnh đến khám bệnh mà không có thuốc, đó là một điều áy náy đối với bệnh viện. Chúng tôi cũng đã có những xoay sở và có những đề xuất, đối với Sở và Ủy ban cho bệnh viện mua chỉ định thầu một số mặt hàng để đáp ứng, phục vụ nhân dân”- Bác sĩ CK2 Nguyễn Thành Phúc- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cho biết.
Không chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, mà tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân diễn ra tại nhiều bệnh viện trong tỉnh Hậu Giang. Bác sĩ CK2 Lê Thị Mai Linh- Trưởng phòng Kế hoạch, truyền thông chỉ đạo tuyến Bệnh viện sản nhi tỉnh Hậu Giang cho biết, đơn vị là tuyến cuối chuyên khoa sản nhi của tỉnh nên gặp rất nhiều khó khăn khi thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhi, nhất là các bệnh nhi bị bệnh sốt xuất huyết và tay- chân- miệng.
"Bệnh viện Sản Nhi chịu áp lực lớn là do những bệnh nặng của các đơn vị trong tỉnh dồn về. Thuốc men thiếu. Như số thuốc cao phân tử để điều trị sốt xuất huyết theo phác đồ của Bộ chỉ còn có 1, 2 chai hoặc các thuốc để cấp cứu tay- chân- miệng độ 3, 4 không có, chỉ còn thuốc uống nên bắt buộc dùng nhóm an thần, chống co giật khác”- BSCK 2 Lê Thị Mai Linh cho biết.
Trao đổi với chúng tôi trong ngày 30/6, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, đơn vị đã có nhiều nỗ lực đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện, trong đó có việc tổ chức mở thầu kỹ thuật các gói thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022-2023. Theo đó, qua đầu tháng 7, các cơ sở y tế trong tỉnh sẽ có thuốc cơ bản đầy đủ để đảm bảo phục vụ điều trị cho bệnh nhân./.