Bệnh viện vệ tinh: Chuyển giao rồi lại thiếu nhân lực và máy móc

VOV.VN -Nhiều kỹ thuật được bệnh viện tuyến trên chuyển giao thành công nhưng chưa được triển khai rộng rãi vì thiếu trang thiết bị y tế.

Từ nay đến 2020, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp để Đề án bệnh viện vệ tinh đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần chấm dứt tình trạng quá tải bệnh viện vào năm 2020. Tuy nhiên, để các bệnh viện vệ tinh áp dụng được các kỹ thuật mà bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao cần có sự quan tâm đầu tư của các địa phương.

Bà Cao Thị Diệp, 54 tuổi, ở thành phố Cao Bằng nhiều năm qua phải điều trị bệnh suy thận bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Kỹ thuật này được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng từ nhiều năm nay nhờ Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao từ Đề án 1816 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều năm qua, bà Diệp phải xuống tận Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để được điều trị vì Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng chỉ có 4 máy chạy thận nhân tạo, chạy 3 ca liên tục nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của vài chục bệnh nhân. Trong khi đó tại Cao Bằng có hơn 200 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nên bệnh viện đành phải ưu tiên những bệnh nhân nặng và hoàn cảnh khó khăn.  Phải tới cuối năm ngoái, bà Diệp mới được xét điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng.

Trước đây, mỗi tháng chạy thận, bà Diệp mất gần 1 triệu tiền thuê nhà và kinh phí đi lại tốn kém. “Giờ được về bệnh viện tỉnh như được về nhà rồi. Tuy nhiên ở Cao Bằng vẫn còn nhiều người bị bệnh như tôi đang phải điều trị ở những bệnh viện tuyến trên hoặc tỉnh lân cận. Tôi rất mong bệnh viện tỉnh Cao Bằng có nhiều máy chạy thận hơn nữa để những người mắc bệnh thận như tôi được sống thêm ngày nào hay ngày ấy” – bà Diệp mừng mừng, tủi tủi chia sẻ.

Thực tế vừa nêu không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Cao Bằng mà tại một số bệnh viện tuyến dưới khác; nhất là ở vùng khó khăn, những kỹ thuật được bệnh viện tuyến trên chuyển giao thành công nhưng chưa được triển khai rộng rãi vì thiếu trang thiết bị y tế. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng Phương Đức Cù cho biết, sắp tới, bệnh viện này trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội nên rất cần sự đầu tư nhiều hơn nữa từ phía Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cũng theo Giám đốc Phương Đức Cù, chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng hầu như chưa phát triển gì. Vừa rồi, Bệnh viện tim Hà Nội đặt vấn đề nhận bệnh viện đa khoa Cao Bằng làm bệnh viện vệ tinh. “Chúng tôi đã cử bác sỹ đi học kiến thức cơ bản về tim mạch cơ sở và siêu âm tim. Chúng tôi đang cần được trang bị máy chụp cắt-lớp 16 dãy vì hiện nay bệnh viện  có máy chụp 2 dãy được tỉnh cấp 6 năm nay rồi, máy này hỏng rất nhiều lần. Máy siêu âm ở bệnh viện chúng tôi cũng thiếu rất nhiều. Dụng cụ phẫu thuật nội soi, tán sỏi nội soi bằng laze cũng thiếu mặc dù là trình độ của bác sỹ ở đây đủ năng lực thực hiện được kỹ thuật này, nhưng chưa thể triển khai vì chưa có trang thiết bị.” – Giám đốc BV Đa khoa Cao Bằng chia sẻ.

Chuyển giao rồi lại lo bác sĩ về Hà Nội làm việc

Theo Giáo sư Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ thực tế chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh khó khăn do thiếu trang thiết bị y tế, bệnh viện tuyến tỉnh còn thiếu cả về nhân lực, đặc biệt do thu nhập chưa đảm bảo nên có trường hợp bác sỹ sau khi được chuyển giao kỹ thuật đã chuyển về thành phố làm việc.

Giáo sư Phạm Minh Thông cho biết, sau 4 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển giao khoảng 800 kỹ thuật chuyên sâu thuộc 20 lĩnh vực chuyên khoa cho trên 3.000 y, bác sỹ của 8 bệnh viện vệ tinh. Tuy nhiên, nếu chính quyền các địa phương không vào cuộc giải quyết kịp thời những khó khăn của bệnh viện tỉnh thì những kết quả vừa nêu sẽ khó bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi những người đi khám bệnh tại BV Đa khoa huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa

“Khó khăn lớn nhất trong triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh là nguồn nhân lực để tham gia đào tạo. Tại các bệnh viện tuyến dưới thường thiếu bác sỹ nên không đủ người làm thay để đi học, nên phải tăng cường nguồn nhân lực cho các bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện xa xôi, năng lực thấp mà nguồn nhân lực ít nên mới có chuyện một người phải học nhiều thứ, nhưng khi chuyển giao xong kỹ thuật, lại lo bác sỹ chuyển về Hà Nội làm việc thì mình lại mất công chuyển giao, mất công đào tạo. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường nguồn nhân lực, các tỉnh phải có chính sách để giữ nguồn nhân lực” – GS Phạm Minh Thôn nói. 

Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương phát triển thêm 5 bệnh viện vệ tinh nữa, nâng tổng số bệnh viện vệ tinh lên 53 đơn vị. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tổng kinh phí thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 là: 2.220 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là hơn 709 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các địa phương có bệnh viện vệ tinh (hơn 1.535 tỷ đồng).

Vì vậy, theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, để đề án này đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm đầu tư từ phía Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi có các bệnh viện vệ tinh: “Qua các lần kiểm tra, đánh giá tại bệnh viện vệ tinh, chúng tôi thấy nói chung các lãnh đạo địa phương đã quan tâm đến việc thực hiện đề án này. Tuy nhiên nguồn ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện chưa thực hiện được hết các kĩ thuật đã được chuyển giao. Vì vậy, chúng tôi cũng mong các đồng chí  lãnh đạo, các cấp chính quyền địa phương là người trực tiếp quản lí chăm lo đến đời sống của người dân trong đó có việc chăm sóc sức khỏe, hãy tạo điều kiện hơn nữa cho các bệnh viện, các thầy thuốc nâng cao trình độ, có điều kiện tiếp cận kĩ thuật để sớm hoàn thành các gói kĩ thuật mà các bệnh viện trung ương chuyển giao.”

Các bệnh viện vệ tinh trông chờ đang sự đầu tư về trang thiết bị, nhân lực y tế và chế độ ưu đãi hơn nữa cho đội ngũ y, bác sỹ để nâng cao năng lực sau khi được bệnh viện trung ương chuyển giao kỹ thuật. Để mạng lưới bệnh viện vệ tinh phát triển, ngoài nỗ lực của ngành y tế thì sự đầu tư của các cấp chính quyền rất quan trọng vì “có bột mới gột nên hồ”./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên