BHXH Việt Nam cần triển khai linh hoạt, đảm bảo quyền lợi người dân

VOV.VN - Chiều 10/1, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, toàn ngành BHXH cần tiếp tục triển khai các giải pháp linh hoạt, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Năm qua, toàn ngành BHXH đã hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể: có hơn 16,5 triệu người tham gia BHXH (tăng 2,2% so với năm 2020); đặc biệt BHXH tự nguyện có 1,45 triệu người  tham gia (tăng gần 29% so với năm 2020), vượt gần 2% chỉ tiêu được giao; Gần 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Gần 89 triệu người tham gia BHYT (tăng gần 1% so với năm 2020%, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 91% dân số). Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT là hơn 395.472 tỷ đồng (tăng 0,6% so với năm 2020). Với phương châm quản lý quỹ an toàn, bên vững và hiệu quả, tổng sổ dư các quỹ BHXH, BHYT BHTN đến hết tháng 12/2021 đạt 1,075 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020…

 

 

Thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 với gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng trích từ Quỹ BH thất nghiệp, trong vòng 05 ngày ( từ 1/10/2021 đến 05/10/2021), Ngành BHXH đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng (1 % xuống 0%) vào quỹ BHTN đến hơn 363 nghìn đơn vị sử dụng lao động vói số tiền trên 7.595 tỷ đồng. Đến hết ngày 31/12/2021, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho gần 13 triệu người lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng; hoàn thành trước thời hạn đề ra. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số quy định của chính sách, pháp luật BHXH, BHYT bộc lộ bất cập, chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Việc giải quyết các chế độ, quyền lợi đối với người lao động còn khó khăn khi doanh nghiệp còn nợ BHXH, BHYT mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn do chưa có cơ chế xử lý đối với nợ của các doanh nghiệp này.Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra…

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Dự báo trong thời gian tới, dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục diễn biến khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; một số chính sách BHXH, BHYTsẽ cần  phải đồi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống BHXH Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đạt được các mục tiêu đề ra: “Về quan điểm chỉ đạo, điều hành năm 2022, BHXH Việt Nam xác định, quan điểm chỉ đạo là lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm, phục vụ. Phương châm hành động là đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt hiệu quả. Mục tiêu phấn đấu của năm 2022, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, cụ thể tham gia BHXH đạt 37 đến 38 % lực lượng lao động trong độ tuổi, tham gia BH thất nghiệp đạt 31 % lực lượng lao động trong độ tuổi, tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 92 % dân số”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả toàn ngành BHXH đạt được trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid 19 nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành cùng sự phối hợp với các Bộ ngành đã có kết quả ấn tượng, thích ứng linh hoạt, bảo đảm quyền lợi người dân với nhiều giải pháp, hoạt động thông suốt, giúp cả hệ thống chính trị thực hiện tốt an sinh xã hội. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành Bảo hiểm xã hội khắc phục cho được những tồn tại hạn chế phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022.

“Những tác động, dự báo tình hình, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm, cố gắng phân tích, tìm ra nguyên nhân để đề ra những giải pháp phù hợp. Bám sát vào chủ trương của Đảng cũng như là Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội để đưa ra giải pháp cụ thể. Trên cơ sở đó, các đồng chí phải đánh giá sâu hơn các chỉ tiêu và đặc biệt các Nghị quyết của Trung ương đề ra; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành rà soát và hoàn thiện thể chế chiến lược, kế hoạch trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT và những vướng mắc về mặt pháp luật, đặc biệt là các quy phạm pháp luật thì đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để chúng ta tháo gỡ”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao lao động tự do không mặn mà với BHXH tự nguyện?
Vì sao lao động tự do không mặn mà với BHXH tự nguyện?

VOV.VN - Khu vực lao động phi chính thức đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội. Song, các chính sách an sinh xã hội đối với những lao động này lại chưa phát huy hiệu quả.

Vì sao lao động tự do không mặn mà với BHXH tự nguyện?

Vì sao lao động tự do không mặn mà với BHXH tự nguyện?

VOV.VN - Khu vực lao động phi chính thức đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội. Song, các chính sách an sinh xã hội đối với những lao động này lại chưa phát huy hiệu quả.