BHXH Việt Nam đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt
VOV.VN - Theo BHXH Việt Nam, đến năm 2025, sẽ có 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để thực hiện chỉ tiêu giao, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025”; Hàng năm thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH các tỉnh, thành phố, trong đó có đưa ra các giải pháp để BHXH các tỉnh thực hiện phát triển số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tính đến nay, đã có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, với việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trọng tâm là việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là tiền đề quan trọng để BHXH Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Cơ sở dữ liệu của ngành BHXH là một trong những cơ sở dữ liệu rất quan trọng để chúng tôi tiến hành rà soát, kiểm tra cũng như cung cấp các thông tin, dữ liệu cho các địa phương để thực hiện kiểm soát rủi ro. Chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống quản lý rủi ro dựa trên cơ sở dữ liệu để tạo nên một nền tảng đảm bảo việc chúng ta sẽ giám sát và hậu kiểm các thông tin liên quan đến nguy cơ trục lợi BHXH. Hiện tại chúng tôi cũng nhận thấy là chúng tôi chưa tận dụng được hết giá trị mang lại từ dữ liệu. Một trong những cái mà chúng tôi sẽ tập trung trong thời gian tới là tận dụng hết hiệu quả giá trị mang lại từ dữ liệu cũng như có bố trí nhân sự để phù hợp với quy mô dữ liệu” - ông Phương cho biết thêm.
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng” ; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025: “60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.”
Để thực hiện chỉ tiêu giao, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như Ban hành Kế hoạch số 1823/KH-BHXH ngày 09/6/2020 về việc “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025”.
Hằng năm, thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH các tỉnh, thành phố (Năm 2023 là Quyết định số 459/QĐ-BHXH ngày 23/3/2033), trong đó có đưa ra các giải pháp để BHXH các tỉnh thực hiện phát triển số người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp, lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của Ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, TCTN,…
6 tháng đầu năm 2023 có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao (đến năm 2025, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt). Trong đó, lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ước khoảng 43%; Chế độ BHXH một lần ước khoảng 92%; TCTN ước khoảng 98%...