Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Việt Nam được đánh giá là nước có hệ thống chính sách và pháp luật bình đẳng giới khá tiến bộ trong khu vực

Sáng ngày 12/3, Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Nhóm Điều phối Chương trình giới của Liên Hợp Quốc tổ chức sự kiện “Bắc Kinh+15: Nhìn lại và hướng tới tương lai: Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sau 15 năm Hội nghị Phụ nữ Quốc tế lần thứ 4”.

Tại Hội nghị Phụ nữ Quốc tế lần thứ 4 được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 1995, 189 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam đã cùng nhau cam kết thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh với 12 mục tiêu chiến lược nhằm tăng quyền năng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn cầu.

12 lĩnh vực ưu tiên trong Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh:
- Phụ nữ và nghèo đói
- Giáo dục và đào tạo cho phụ nữ
- Phụ nữ và sức khỏe
- Bạo lực đối với phụ nữ
- Phụ nữ và xung đột vũ trang
- Phụ nữ và kinh tế
- Phụ nữ trong bộ máy quyền lực và ra quyết định
- Các cơ chế vì sự tiến bộ của phụ nữ
- Các quyền con người của phụ nữ
- Phụ nữ và truyền thông
- Phụ nữ và môi trường
- Trẻ em gái

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, sau 15 năm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có hệ thống chính sách và pháp luật bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ khá tiến bộ so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Đối chiếu với 12 mục tiêu chiến lược nêu trong Cương lĩnh Hành động, Việt Nam đã thực hiện được những kết quả đáng khích lệ.

Về giáo dục đào tạo, các hoạt động lồng ghép giới trong giáo dục và đào tạo được triển khai và chú trọng; tỷ lệ biết chữ trong dân số từ 10 tuổi trở lên là 93,1%, tỷ lệ biết chữ của nữ chiếm 90,5% và của nam là 96% trong độ tuổi; tỷ lệ học sinh, sinh viên nữ ở các trường đại học, cao đẳng là 55,32% (năm học 2006-2007).

Về lĩnh vực phụ nữ và kinh tế, hệ thống luật pháp, chính sách đồng bộ đã tạo điều kiện cho phụ nữ thụ hưởng và tham gia đóng góp nhiều hơn, đồng thời nâng cao địa vị kinh tế của phụ nữ; Tỷ lệ nam giới và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế gần bằng nhau; 90% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới có cả tên vợ và chồng (theo báo cáo của Chính phủ trình bày tại Quốc hội năm 2009).v.v…

Tuy nhiên trên thực tế cũng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu cơ bản của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, nhằm đưa chính sách pháp luật về bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống và “để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên