Bình Định chuyển tiền hỗ trợ đến giúp người lao động nghèo
VOV.VN - Đây là những lao động nghèo khó, bị mất việc làm do dịch COVID-19, theo đó, tỉnh Bình Định đang nỗ lực hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những ngày qua, sau khi có chủ trương chi trả tiền hỗ trợ người gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, một số địa phương trong tỉnh Bình Định đã gấp rút ứng ngân sách để nhanh chóng trao tiền đến tay người dân.
Sáng ngày 18/7, 3 phường đầu tiên ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là Lý Thường Kiệt, Trần Phú và Lê Lợi tổ chức trao tiền hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng. Đó là những người bán vé số dạo, bán hàng rong, người hành nghề xích lô, ba gác, bốc vác, thu mua ve chai bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người.
Bà Nguyễn Thị Phước (53 tuổi), ở khu phố 2, phường Lý Thường Kiệt làm nghề thu mua ve chai cho biết, từ ngày dịch COVID-19 xảy ra, cả gia đình không có nguồn thu nhập nào. Các con của bà bán đồ ăn, nước uống vỉa hè hiện cũng phải nghỉ bán. Nhận được tiền hỗ trợ, bà lập tức đi mua gạo và một số thực phẩm để dành cho những ngày tới.
Trong số những người xếp hàng chờ nhận tiền hỗ trợ, mỗi người 1 công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều khó khăn. Ông Thiều Dũng ở phường Lý Thường Kiệt cho biết, nhiều năm qua ông chạy xe ôm kiếm sống, các con của ông đều lập gia đình nhưng cũng khó khăn nên ông tự nuôi thân. Nhận được tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68, ông Dũng rất vui: "Được chính quyền địa phương cho tôi nhận tiền hỗ trợ cho người thất nghiệp tôi thành tật cảm ơn Chính phủ, chính quyền địa phương và các đoàn thể".
Thị xã Hoài Nhơn cũng là địa phương đầu tiên ở tỉnh Bình Định triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ. Theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ, thị xã Hoài Nhơn đã lập danh sách khoảng 2.000 trường hợp khó khăn cần được hỗ trợ sớm. Ngay sau đó, huyện đã chủ động ứng ngân sách để hỗ trợ người dân.
Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết: "Thị xã cũng đã chủ động tạm ứng nguồn kinh phí của mình để chi trả cho các đối tượng theo quy định. Và thị xã đang chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu tất cả các xã phường khi nhận được hồ sơ thuộc nhóm đối tượng quy định phải khẩn trương trình UBND thị xã để ký quyết định kịp thời. Thời gian tối đa kể từ khi nhận hồ sơ đến khi ra quyết định tối đa không quá 2 ngày".
Đến nay, tỉnh Bình Định đã thống kê được khoảng 28.600 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động phải tạm ngừng hoạt động theo quy định của UBND tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19 thuộc diện được hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ các đối tượng này gần 43 tỷ đồng.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, các địa phương đang tiếp tục rà soát kỹ từng nhóm đối tượng được hỗ trợ và tạm ứng ngân sách để hỗ trợ cho người dân đang gặp nhiều khó khăn: "UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính cân đối nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện. Các địa phương trong tỉnh mà còn thiếu nguồn lực thì báo cáo cho Sở Tài chính để UBND tỉnh cân đối với mục tiêu làm sao tất cả các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ đều được hưởng kịp thời, đầy đủ, không để 1 người dân nào gặp khó khăn"./.