Binh Đoàn 15: Bản hùng ca 30 năm
VOV.VN -Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ về kết quả 30 năm xây dựng và phát triển của Binh đoàn 15 trên miền đất Tây Nguyên.
30 năm xây dựng và trưởng thành trên miền đất Tây Nguyên, vượt qua chồng chất những gian khó của ngày đầu thành lập, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng dân cư xã hội, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15 về hoạt động của Binh đoàn
PV: Xin Thiếu tướng cho biết những thành tích nổi bật của Binh đoàn 15 qua chặng đường 30 xây dựng và phát triển?
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng: 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trước đây là Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, đến nay cán bộ công nhân viên Binh Đoàn 15 đã có 8 Công ty TNHH, 9 Chi nhánh Tổng công ty, 1 trường Trung cấp nghề, 1 Bệnh viện đa khoa hạng 3.
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15
Diện tích cao su đã đạt trên 42.000 ha trải xanh dọc theo biên giới tiếp giáp Campuchia của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Vừa rồi, Binh đoàn có đầu tư trồng cao su sang Lào, Campuchia và dần mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Ngoài ra, Binh đoàn còn có khoảng 400 ha cà phê, 6 nhà máy chế biến mủ cao su với công suất từ 5.000-10.000 tấn/năm, diện tích lúa nước đạt 70 ha, với giá trị sản xuất hàng năm đạt 2.500-3.200 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho hơn 17.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 6,5 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Những kết quả mà Bình đoàn đạt được chưa như kỳ vọng, nhưng 30 năm qua toàn bộ địa bàn nơi Binh đoàn đứng chân, đời sống của người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên đã được nâng cao, cải thiện đáng kể.
Cơ sở hạ tầng cũng đã được đầu tư đồng bộ. Binh đoàn đã đầu tư làm được 1.450 km giao thông liên thôn, xã; 390 km đường dây trung, hạ thế..., hàng chục hồ, đập thủy lợi, hàng trăm giếng khoan. Tất cả các đơn vị đều có trạm quân dân y kết hợp, có y bác sĩ chăm sóc cho quân dân, người lao động và bà con trong vùng dự án. Trường học cũng được đầu tư, Công ty 78 đầu tư trường tiểu học nội trú. Binh đoàn có 10 trường mầm non, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Binh đoàn đầu tư xây dựng 132 nhà trẻ mẫu giáo, có trên 600 cô nuôi dạy trẻ,có trình độ được đào tạo bài bản để nuôi dạy 6.000 các cháu.
PV: Là đơn vị quốc phòng làm kinh tế, đứng chân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên , xin Thiếu tướng cho biết công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội nơi Binh đoàn đứng chân?
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Binh đoàn luôn kết hợp với chính quyền địa phương, tỉnh. Coi nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương là nhiệm vụ của chính Binh đoàn.
Công tác dân vận đã có sáng tạo mới, mô hình gắn kết hiệu quả. Binh đoàn gắn kết với tỉnh, Công ty gắn kết với huyện, xã, tổng đội thì gắn kết với buôn làng.
Trong phát triển kinh tế, gắn người kinh với người đồng bào dân tộc tại chỗ, từ đó đem lại cuộc sống ấm no cho cả người kinh và người đồng bào dân tộc, gắn kết tình cảm anh em, xây dựng mối liên kết trên mọi mặt, góp phần bảo tồn văn hóa địa phương.
Cán bộ Binh đoàn 15 hướng dẫn công nhân, bà con Đội 10 xã Ia Nan kỹ thuật cạo mủ cao su
Quan điểm của Binh đoàn luôn coi nhiệm vụ chính trị của địa phương như của mình, các dự án đều tuân thủ quy hoạch, kế hoạch của địa phương, thống nhât các chương trình của tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, định hướng, phát triển bền vững.
Chúng tôi thấy rằng, nếu được nhân dân, chính quyền ủng hộ thì không có việc gì không làm được. Có được lòng dân, thuyết phục vận động để dân tin thì mọi kế hoạch, dự án đều được triển khai, hoàn thành có kết quả tốt.
PV: 30 năm qua với sự nỗ lực của tập thể CBCNV, chiến sĩ của toàn Binh Đoàn, bộ mặt nông thôn, đặc biệt vùng biên giới đã có sự đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã từng bước đi vào ổn định. Xin Thiếu tướng cho biết cụ thể hơn trong công tác dân vận nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm và cả tập quán canh tác của bà con nơi đây?
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng: Đúng là những ngày đầu vô cùng khó khăn. Năm 1985, vận động, thuyết phục mãi, nhiều người vào Bình đoàn rồi lại bỏ. Mình thấy rằng mình chưa hiểu hết tập quán của đồng bào. Điểm xuất phát của họ thấp, họ chưa quen kỹ năng cầm công cụ lao động, giờ giấc chưa quen…vì vậy vận động, thuyết phục để họ vào làm việc xong rồi họ lại bỏ về.
Thêm nữa, là văn hóa, văn hóa cộng đồng do chưa hiểu hết nên cũng có những thất bại ban đầu. Có thời kỳ Binh đoàn làm nhà, tuyển công nhân, toàn là thanh niên nhưng họ chỉ ở một thời gian rồi vẫn bỏ về. Vậy là mình phải đi theo họ, không thể bắt họ theo mình, dần dần thuyết phục, làm gương, hướng dẫn tỷ mỷ để đồng bào tin và làm theo.
Kinh nghiệm là phải chọn những hạt nhân, nòng cốt để lan tỏa. Chọn những người tiên phong, có thể đi đầu, vận động trong đồng bào, họ tự thuyết phục nhau, từ đó nhân rộng lên.
PV: Chặng đường 30 năm của Binh đoàn 15 ghi dấu nhiều thành tích vẻ vang của đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong thời điểm giá mủ cao su đang xuống thấp và dự báo sẽ còn kéo dài thì giải pháp của đơn vị cho vấn đề này thế nào để tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển đơn vị?
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng: Trước hết, phải tái cơ cấu lại, tái cơ cấu toàn diện từ tổ chức bộ máy đến ngành nghề và cũng phải nhìn nhận lại chính mình.
Giá cao su giảm sâu là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận lại mình thấy rằng bộ máy hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu. Rõ ràng phải biết quên đi thành công để nhìn vào thực trạng.
Binh đoàn đang thực hiện rà soát lại bộ máy biên chế, định biên lại. Bộ máy gián tiếp hiện hơn 600 người, họ đã gắn bó với Bình đoàn lâu rồi, không thể để họ thôi việc nhưng phải đào tạo lại, nâng cao trình độ. Thứ hai là phải đa dạng hóa cây trồng, không thể chỉ độc canh cây cao su.
Trước đây, Binh đoàn có 1.600 ha cà phê, nay chỉ còn 400 ha. Quan điểm là chỗ nào cao su già cỗi, có thể thanh lý, thấy phù hợp thì trồng lại cà phê. Chỗ nào phù hợp có thể trồng cỏ nuôi bò. Hiện tại đang triển khai 2 đơn vị nuôi thí điểm, nuôi theo hình thức công nghiệp, trước mắt nuôi bò thịt. Dự án Công ty 74 dự kiện nuôi 1.000 con, quay 2 vòng 1 năm, tức là 2.000 con/năm.
Ngoài ra, sẽ thí điểm một số cây khác, như cây dược liệu, cây xả, một số nơi có thể trồng tiêu làm sao trên cùng diện tích đạt giá trị cao hơn.
Công nhân của Công ty 72 ( Binh đoàn 15) cạo mủ cao su
Hướng nữa là nghiên cứu xây dựng các xưởng sơ chế gỗ xuất khẩu, tận dụng nguồn gỗ cao su thanh lý, tận dụng phế phẩm làm viên nén, nhu cầu ở các nước phát triển đang cần.
Điều quan trọng nhất là làm sao từ Tư lệnh đến cán bộ chiến sĩ của Binh đoàn phải nhận thức được chỉ có phát triển, nỗ lực xây dựng “ngôi nhà chung” Binh đoàn lớn mạnh thì đời sống mới đi lên. Mô hình này thành công còn có ý nghĩa lớn hơn, có sức lan tỏa hơn, khẳng định một điều chắc chắn là đơn vị quốc phòng làm kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, kinh tế.
PV: Bước sang giai đoạn mới, nhiệm vụ trọng tâm của Binh đoàn có bước đột phá gì để tiếp tục giữ vững là đơn vị kinh tế điểm trong toàn quân của Bộ Quốc phòng, đảm đương tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới?
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng: Binh đoàn chọn khâu đột phá là công tác cán bộ, bởi vì như Bác Hồ nói, cái gốc là con người. Bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, có năng lực, có trách nhiệm để xây dựng Binh đoàn.
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phối hợp với các trường đại học, quản lý, các tập đoàn kinh tế có kinh nghiệm để đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ Binh đoàn. Hiện tại, 80% cán bộ Binh đoàn là trình độ đại học, cao đẳng. Sắp tới, Binh đoàn sẽ phối hợp với học viện chính trị mở lớp cao cấp lý luận chính trị cho anh em. Đồng thời, liên hệ với các trường như quản lý nông nghiệp, Đại học Tây Nguyên và một số trường khác để đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ.
Tôi nghĩ rằng, giải quyết được vấn đề này, mọi người cũng quyết tâm, có ý chí thì không việc gì không làm được. Xây dựng được một thế hệ cán bộ mới, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, không né tránh vất vả, biết dấn thân vì sự nghiệp chung thì sẽ vượt qua được khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Binh đoàn.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
3 đơn vị thành viên là Công ty 732, 74, 75 được tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, 2 cá nhân anh hùng lao động, anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương lao động hạng nhất nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Binh đoàn cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ, Bộ Quốc phòng.