Bình Dương cố gắng giữ "thành trì" khu công nghiệp, nhà máy trước Covid-19
VOV.VN - Bình Dương rất quan ngại về vấn đề Covid-19, đặc biệt là tỉnh có số lượng công nhân đông hơn 1,2 triệu người.
Mặc dù Bình Dương đã nỗ lực dập dịch nhưng số lượng ca mắc Covid-19 ngày càng tăng. Cụ thể, từ đầu mùa dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương có 164 ca trong cộng đồng, trong đó đa số là công nhân lao động. Theo đánh giá của Bộ Y tế tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương nếu không kiểm soát kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đặc biệt là vào các khu, cụm công nghiệp. Trước tình thế cấp bách như hiện nay, Bình Dương tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch như thế nào? Về vấn đề này, PV VOV có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
PV: Thưa ông, thời gian qua, Bình Dương liên tục ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 mới. Bình Dương cũng đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất. Vậy thưa ông, mức cao nhất ở đây được hiểu như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương: Bình Dương từ trước giờ chưa bao giờ yên ổn vì dịch Covid-19 vẫn diễn ra khá liên tục, thường xuyên. Đặc biệt, trong đợt dịch này chúng tôi nâng mức độ cao hơn nữa, cao nhất. Mức cao nhất đó là các lực lượng trong tuyến đầu phải thường trực 24/24h, luôn luôn sẵn sàng trong tâm thế cao nhất. Riêng ngành Y tế, chúng tôi thành lập ngay những đội phản ứng nhanh, đội truy vết nhanh, lấy mẫu xét nghiệm nhanh diện rộng trong cộng đồng.
Về phía quân đội, chúng tôi huy động tất cả các lực lượng dự bị động viên tập trung tại các huyện, thị, thành phố để sẵn sàng có lực lượng cơ động và lực lượng công an cũng thường trực suốt cả ngày đêm. Đặc biệt, mức độ cao nhất không phải cho lực lượng chống dịch mà cả nhân dân, tất cả mọi người cùng ý thức, bởi lúc này Bình Dương rất cần sự chung tay để chiến thắng dịch.
PV: Chính phủ rất lo lắng Bình Dương sẽ trở thành Bắc Giang thứ 2, vậy tỉnh Bình Dương đã có những kịch bản gì để có thể ứng phó với tình huống xấu?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương: Chúng tôi xác định được Bình Dương rất quan ngại về vấn đề Covid-19, đặc biệt là tỉnh có số lượng công nhân đông hơn 1,2 triệu người. Công nhân đan xen giữa các nhà máy, khu công nghiệp, khu nhà trọ khi tình huống xảy ra thì lây lan một lúc rất nhiều khu nhà trọ, nhiều nhà máy trong cả khu công nghiệp.
Trước khi đợt dịch xảy ra chúng tôi có rất nhiều cuộc họp, đưa ra rất nhiều biện pháp khuyến cáo xuống từng người dân, từng khu doanh nghiệp, người lao động về công tác phòng chống dịch Covid-19. Cho đến hiện tại khi đợt dịch xảy ra, Bình Dương đã tiến hành giãn cách xã hội rộng hơn, tức là phong tỏa những khu phát hiện F0 và có nguy cơ trở thành điểm dịch. Chúng tôi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 với một số địa bàn trọng điểm như địa bàn thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một. Hạn chế tối đa các dịch vụ không cần thiết; tuyệt đối không cho hoạt động các chợ tự phát.
Riêng về các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, trước đây ngành Y tế cộng với Ban quản lý khu công nghiệp, các sở ban ngành như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công đoàn, chúng tôi đã ban hành rất nhiều phương án, kịch bản, kế hoạch và đã triển khai đến từng doanh nghiệp. Theo nhận xét đánh giá thì trên 80% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an toàn trong trường hợp Covid-19 tấn công thì vẫn có thể sản xuất được.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập 100 đoàn đi kiểm tra công tác an toàn trong khu công nghiệp. Chúng tôi cũng tiến hành xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, cố gắng thực hiện đúng 6 nguyên tắc của Bộ Y tế đưa ra đó là bao vây ngăn chặn, truy vết kịp thời, điều trị hiệu quả. Tất cả các biện pháp tổng hợp để chúng tôi cố gắng giữ được thành trì là khu công nghiệp, nhà máy.
PV: Với diễn biến phức tạp Covid-19 như thế, từ phía Bộ Y tế đã có những chi viện, hỗ trợ gì cho Bình Dương thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương: Nói chung khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi đã báo cáo Bộ Y tế. Đặc biệt, trong những ngày gần đây khi có những bằng chứng dịch bệnh lan từ nhà trọ vào trong nhà máy, từ nhà máy qua nhà trọ và những nhà máy khác thì chúng tôi cũng đã xin ý kiến Bộ Y tế và được chỉ đạo rất kịp thời, cử đoàn vào giúp đỡ tỉnh Bình Dương. Ví dụ như Đoàn của Cục môi trường vào giúp đỡ phòng chống Covid-19 trong khu công nghiệp và chia sẻ những kinh nghiệm của các tỉnh khác. Với tư cách là người đầu ngành phía Nam Viện Pasteur TP.HCM đã giúp đỡ Bình Dương trong công tác thành lập xét nghiệm khẳng định. Giúp đỡ chúng tôi nhiều trong vấn đề tăng công suất xét nghiệm khẳng SARS-CoV-2.
PV: Thưa ông, trong công băn mới nhất của UBND tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống dịch có đưa ra hàng loạt các phương án cụ thể như: thành lập khu cách ly lên đến 10.000 người, chuẩn bị bệnh viện dã chiến, tìm nguồn cung ứng vaccine. Vậy theo ông đâu là giải pháp quan trọng nhất?
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương: Trong tình huống này thì biện pháp nào cũng quan trọng nhất. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra dịch bệnh như hiện nay thì phải làm sao ngăn chặn được nguồn lây để giữ vững, khống chế lây lan Covid-19 bằng cách tăng cường công tác truy vết, cách ly phong tỏa diện hẹp; tăng năng suất xét nghiệm và xét nghiệm thật nhanh. Muốn xét nghiệm đòi hỏi nguồn lực rất lớn không chỉ của ngành y tế của tỉnh và cũng rất mừng là các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp rất nhiều.
Biện pháp lâu dài thì đương nhiên là vaccine, tỉnh Bình Dương tích cực tìm đối tác, những nhà cung cấp mà được Bộ Y tế cho phép có thể tự đàm phán nhập khẩu vaccine thì Bình Dương cũng liên hệ mua. Bình Dương khuyến nghị Bộ Y tế tăng tối đa đến mức có thể cấp vaccine cho tỉnh để tiêm ngừa cho công nhân trong khu công nghiệp và những người lao động.
PV: Xin cảm ơn ông!./.