Bình Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
VOV.VN - Một trong những đột phá chiến lược của Bình Dương là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Xác định ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông là đi trước một bước trong phát triển kinh tế, nên Bình Dương đang tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ những điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.
Đẩy nhanh tiến độ dự án
Với ý nghĩa “hạ tầng giao thông - động lực cho phát triển”, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Qua đó, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, hoàn chỉnh, kết nối liên vùng, liên tỉnh. Đây cũng được xem là đòn bẩy để Bình Dương tiến đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030, là đô thị thông minh của vùng và cả nước vào năm 2045.
Một trong những tuyến giao thông huyết mạch đang được Bình Dương "chạy đua" để hoàn thành, đồng bộ với các địa phương khác vào năm 2025 là dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Với dự án này, Bình Dương còn hơn 11km chưa đầu tư và được chia thành 4 gói thầu thực hiện. Hiện gói thầu xây lắp ở nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi đang thi công. Hai gói thầu còn lại là nút giao Tân Vạn (giao xa lộ Hà Nội và vành đai 3) và đoạn đường từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn, dự kiến khởi công trong tháng 2/2024.
Một số dự án giao thông nội tỉnh cũng đang được tăng tốc hoàn thiện trong năm nay, như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa; cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2).
Ông Phạm Thành Trung, người dân ở Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ, ông rất trông chờ dự án Vành đai 3 hoàn thành: “Bản thân tôi và người dân địa phương hy vọng con đường này sẽ hoàn thành đúng tiến độ để thuận lợi rút ngắn thời gian cho người dân đi lại các tỉnh lân cận và phát triển kinh tế địa phương”.
“Chạy đua” với tiến độ nhưng không bỏ qua chất lượng, các đơn vị có liên quan thay phiên nhau giám sát để không xảy ra sự cố, không để thất thoát nguồn vốn đầu tư. Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: “Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thông cùng các đơn vị thi công tư vấn giám sát bám sát công trình, xây dựng tiến độ hàng tháng, hàng quý để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác sẽ tăng cường kiểm soát vật liệu đầu vào, kiểm tra chất lượng, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp cận mặt bằng để triển khai đồng bộ”.
Sớm giải phóng mặt bằng
Ngoài các dự án đang triển khai, năm 2024, Bình Dương sẽ khởi công tiếp 2 tuyến giao thông quan trọng kết nối vùng là Vành đai 4 (đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn) và dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (Bình Phước).
Một số tuyến giao thông nội tỉnh cũng đang thực hiện các thủ tục đầu tư để khởi công, như: dự án đường ven sông Sài Gòn; nút giao Sóng Thần; nâng cấp mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần; xây dựng hầm chui tại nút giao Ngã 5 Phước Kiến; cảng An Tây; cảng An Sơn.
Để các dự án giao thông có thể khởi công đúng kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ngay từ sớm, các địa phương đã xây dựng phương án bồi thường phù hợp, giá cả tiệm cận với giá thị trường, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP. Thuận An cho biết: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi rút ngắn quy trình thủ tục, thay vì phải niêm yết công khai cho người dân xem thì chúng tôi đổi mới bằng cách họp dân để họ biết được phương án bồi thường. Trường hợp họ đồng thuận thì sẽ thẩm định, phê duyệt chi trả sớm nhất. Như vậy sẽ rút ngắn được thời gian và người dân cũng sớm nhận được tiền bồi thường để làm ăn. Cách làm này tạo được sự đồng thuận của người dân”.
Việc đầu tư mở rộng các tuyến đường sẽ góp phần khơi thông “điểm nghẽn” về hệ thống vận tải, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cũng như tạo nền tảng để Bình Dương phát triển nhanh và bền vững. Do đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả để dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Từng dự án có một bảng tiến độ, kế hoạch cụ thể để phân công nhiệm vụ. Trong công tác chỉ đạo thì tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo công trình trọng điểm. Mặt khác, Bí thư cấp huyện phải sát cánh cùng UBND để chỉ đạo công tác đầu tư công. Về nguồn vốn, tập trung phấn đấu thông qua đề án đấu giá đất, lấy tiền đó cho đầu tư công”.
Mới đây, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Dương và các Ban Quản lý dự án đã ký cam kết giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.