Bình Dương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường ven sông Sài Gòn
VOV.VN - Hôm nay (23/8), đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết đang tích cực triển khai các bước để đầu tư, thi công xây dựng đường ven sông Sài Gòn.
Cụ thể, tại TP.Thủ Dầu Một, đoạn đường ven sông Sài Gòn dài khoảng 4,8 km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa). Đến nay, 3 km đã hoàn thành xây dựng, còn lại 1,8 km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang trong giai đoạn đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 2.133 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.447 tỷ đồng và chi phí xây dựng khoảng 409 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND Thành phố Thủ Dầu Một đã hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và trình lên Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định.
Tại TP. Thuận An, tổng chiều dài tuyến đường ven sông Sài Gòn khoảng 13 km. Địa phương đã đầu tư hoàn chỉnh đoạn khoảng 1,8 km, đoạn từ giáp rạch Bình Nhâm đến rạch Lái Thiêu. Còn lại khoảng 11 km chưa triển khai thực hiện.
Đoạn tuyến còn lại được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó, đoạn qua Cảng An Sơn sẽ do Công ty Thanh Lễ làm chủ đầu tư.
Đoạn từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.497 tỷ đồng và đoạn từ rạch Bình Nhâm đến giáp cảng An Sơn, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.498 tỷ đồng, đang trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Đối với đoạn từ cảng An Sơn đến giáp Thủ Dầu Một, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh triển khai thực hiện.
Các địa phương khác có đường ven sông là TP.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng cũng đang lập kế hoạch để đầu tư, xây dựng.
Được biết, dự án đường ven sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương trải dài qua 4 địa phương, gồm thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, với tổng chiều dài 94km. Dự án có điểm đầu tại rạch Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An và điểm cuối tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng.
Dự án được kết hợp giữa nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn đầu tư công để đầu tư, xây dựng. Đối với các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong khu vực phát triển đô thị, đặc biệt là các dự án cảng, sẽ do nhà đầu tư thực hiện (bao gồm cả việc xây dựng kè sông theo thiết kế chung). Đối với các đoạn tuyến còn lại sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công để triển khai.
Khi tuyến đường hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra một không gian sống hiện đại, văn minh; chống ngập do triều cường, phòng chống sạt lở bờ sông và hình thành trục kết nối giao thông thủy - bộ dọc sông Sài Gòn.