Bình Thuận đối mặt với nắng nóng, thiếu nước bủa vây người dân
VOV.VN - Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Thuận có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 26.872 hộ dân với 75.918 người. Bình Thuận cũng có 961 ha cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023-2024 thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất…
Thiếu nước bủa vây người dân
Gia đình ông Lâm Hồng Điệp ở thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có 5ha đất trồng xen kẽ thanh long và chuối. Từ đầu tháng 3 đến nay, nắng nóng gay gắt, nên gia đình ông phải thường xuyên tưới nước cho cây trồng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, hồ Tà Mon cấp nước cho khu vực này đã cạn kiệt. Để cứu vườn cây, ông Điệp phải dồn vốn đầu tư hơn 200 triệu để khoan giếng, mỗi giếng khoan sâu hơn 100m nhưng không phải mũi khoan nào cũng có nước.
"Có khoan giếng sâu từ 100-120m mà cũng không đủ nước để cung cấp. Với 5ha này khoan 25 cái giếng, mà cũng không có nước, bây giờ giàn chuối nó héo hết rồi, trái cũng không được căng mà mười ngày nữa là xong rồi đó, đành chấp nhận thua. Hồi đó có thể thu được 200 triệu đồng/1ha, còn bây giờ lứa này thua lỗ nặng", ông Lâm Hồng Điệp cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận, đến nay, toàn tỉnh có 961 ha cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023-2024 thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất. Riêng tại huyện Hàm Thuận Nam (địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng bởi nắng nóng, khô hạn), có 365 ha cây thanh long và rau màu thiếu nước tưới.
Không chỉ thiếu nước cho sản xuất, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện còn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Đến nay, có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 26.872 hộ dân/75.918 người.
Ông Trần Thiện Hưởng ở thôn 1, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước tưới từ sông, suối, nên vào mùa nắng nóng thường thiếu hụt.
"Dân ở đây thường sử dụng nước sông, hồ nên rất ô nhiễm. Do nguồn nước bị ô nhiễm nên thấy đường ống nước sạch đi ngang qua nhà rất mừng, nhưng đến nay trên 3 tháng rồi vẫn chưa có đấu nối được", ông Hưởng cho hay.
Ông Lưu Quang Bảy, Trưởng thôn 1, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, toàn thôn có 777 hộ thì hơn 600 hộ thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt. Nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng kéo dài, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên (nước ngầm, nước mặt trên sông, suối). Vì vậy, dù thôn có đường ống cấp nước sạch của các công trình cấp nước nhưng vẫn không có nước dùng.
"Nói chung là có tuyến đường ống nước sạch đi qua, nhưng thực chất cũng không bao giờ đủ nước. Từ 25 Tết đến nay không có nước để cho dân sử dụng. Tình hình này cũng khiến dân bức xúc. Nguồn nước sử dụng hiện tại người dân mua từ các xe chở nước sạch về, giá 300.000 đồng/téc, có nơi giá 350.000 đồng, chứ có nước đâu mà sử dụng", ông Bảy cho biết thêm.
Cần hồ chứa lớn để điều tiết
Tính đến cuối tháng 3, lượng nước hữu ích tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Bình Thuận là trên 115 triệu m3, đạt 31,7% công suất thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m3. Hiện nay, trên địa bàn Bình Thuận có nhiều hồ chứa nhỏ đã xuống mực nước chết, nhất khu vực phía Nam của tỉnh.
Để chủ động ứng phó với tình hình thiếu nước và hạn hán, năm 2024, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận sẽ ưu tiên điều tiết cấp nước sinh hoạt, dịch vụ của người dân; nước cho gia súc vật nuôi và nước cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, hiện nay địa phương chỉ chủ động nguồn nước tưới cho hơn 53.000ha/350.000ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 16% diện tích, nên vào mùa khô hạn rất khó khăn. Giải pháp lâu dài phải xây dựng các hồ chứa.
Theo quy hoạch, Bình Thuận sẽ có 2 hồ chứa nước lớn gồm: hồ Ka Pet với trên 51 triệu m3 đã được Quốc hội thông qua, nhưng triển khai chậm; hồ La Ngà 3 với dung tích thiết kế trên 400 triệu m3 cần sớm được xây dựng.
"Có được như vậy mới giải quyết ổn định nguồn nước phục vụ chống hạn, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác cho các địa phương khu vực phía Nam và khu vực trung tâm tỉnh. Đối với nước sinh hoạt vừa qua tỉnh cũng đã có chủ trương cho triển khai thực hiện nâng cấp 15 hệ thống công trình nước sạch để dẫn nước sinh hoạt cho dân. Đối với vùng khô hạn tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương phương mua nước và chở đến cho dân để đảm bảo nước sinh hoạt", ông Phước nói.
Hiện nay, tại Bình Thuận, một số hồ chứa như Ba Bàu, Tà Mon, Cà Giây, Sông Quao… bị bồi lắng nhiều, không bảo đảm dung tích theo thiết kế, làm giảm năng lực cấp nước của công trình. Vì vậy, ngành nông nghiệp Bình Thuận cũng cần tính đến phương án nạo vét lòng hồ để tăng lượng nước tích trữ trong mùa khô hạn.