Bộ Công Thương: Thủy điện Hố Hô xả lũ phù hợp về chuyên môn
VOV.VN - Việc nhà máy thủy điện Hố Hô phải mở cửa van là phù hợp về chuyên môn nhưng sự phối hợp giữa nhà máy và địa phương là chưa chặt chẽ.
Ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô, thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Qua báo cáo về quy trình cho thấy một số điểm bất cập cần phải rút kinh nghiệm trong vận hành nhà máy và phối hợp trong công tác phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xả lũ. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Báo cáo nhanh về kết quả điều tra của đoàn công tác, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết qua kiểm tra hồ sơ liên quan đến vận hành hồ chứa, giai đoạn từ ngày 13 đến trưa 14/10, lũ còn thấp nên nhà máy đã vận hành hạ mức nước để đón lũ, đạt yêu cầu quy trình vận hành.
Tuy nhiên, từ chiều 14 đến đêm 15/10 lũ lên đột ngột, trong khoảng 5 tiếng lũ đã tăng gần 4 lần từ 550m3-1.800m3/s. Đặc biệt, do có tình huống bất ngờ là sạt trượt khối lượng lớn bên mái phải của thủy điện, gây nên nguy cơ phá vỡ tường chắn, có thể khiến trạm cấp điện dừng hoạt động và không thể mở được cửa van.
Do đó, việc chưa được mở cửa van hoàn toàn, nhưng buộc phải mở là phù hợp về góc độ chuyên môn. Nếu không mở thì lũ lên cao, khu sạt trượt tiếp tục lở ra dẫn tới mất điện thì không thể mở được nữa và nguy hiểm còn lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cũng cho rằng, sự phối hợp giữa nhà máy và địa phương chưa chặt chẽ, nhà máy chỉ thông báo và chưa quan tâm xem phía dưới hạ du triển khai như thế nào.
Ông Quân nói: “Qua thực tế địa phương và qua báo cáo cho thấy có thông báo về việc xả lũ nhưng chi tiết cụ thể thế nào thì chưa rõ, cũng chưa có trao đổi 2 chiều chặt chẽ. Một số con số trong báo cáo này phải kiểm tra lại và chúng tôi đang giao cơ quan chuyên môn đánh giá, đồng thời yêu cầu nhà máy xem xét lại để giải trình. Về xử lý phần sạt trượt, chúng tôi đã yêu cầu nhà máy khắc phục ngay, nếu không cơn bão số 7 tới đây sẽ rất nguy hiểm”.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho rằng trong bối cảnh mưa đổ về hồ với dung tích 1.800 – 2.000m3/s, khả năng điều tiết của hồ đập là không thể. Nếu khẳng định thủy điện hoàn toàn gây ra lũ cho địa phương là không đúng. Vấn đề là có sự phối hợp tốt hơn để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.
Kết thúc buổi làm việc, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về việc thủy điện có là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập lụt nặng ở vùng hạ du Hương Khê hay không, vì có nhiều nguồn chảy vào hạ du Hương Khê, song Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, lũ lên nhanh cho thấy quy trình thực hiện hồ chứa chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt trong vận hành. Công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ chưa được đánh giá tốt.
Ngoài ra, Công ty cũng chưa chấp hành triệt để quy trình vận hành hồ chứa. Cụ thể, trong trường hợp khẩn cấp phải báo cáo lên Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương các cấp huyện, xã… nơi chịu tác động của việc xả lũ, song việc báo cáo chưa đến nơi đến chốn,
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói: “Nhiều gia đình phản ánh là từ khi họ nhận được tin Nhà máy xả lũ rất ngắn, từ 30 phút đến 1 tiếng có khi lũ về đến nhà rồi. Trong thời gian ngắn như vậy, người dân không kịp di dời tài sản, thậm chí nhiều người kịp đến nơi an toàn. Dung tích của nhà máy nhỏ nhưng nếu đúng vào lúc mưa lũ lớn mà nhà máy vận hành không đúng quy trình làm trầm trọng hơn khó khăn của hạ du thì đương nhiên nhà máy phải chịu trách nhiệm”.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu Tổng cục Năng lượng rà soát nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung quy trình vận hành hồ chứa, đảm bảo phát điện, an toàn hạ du và lợi ích thủy điện, an toàn cho bà con. Đồng thời, đề nghị địa phương phối hợp chặt hơn nữa, tạo điều kiện cho nhà máy thực hiện tốt trách nhiệm cụ thể trong quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng chống lụt bão hạ du./.