Bộ GD-ĐT thành lập 11 đoàn thanh tra thi tốt nghiệp THPT

VOV.VN -Ngoài 11 đoàn thanh tra, còn có đoàn kiểm tra, đi kiểm tra đột xuất không báo trước tới các Hội đồng thi ở các địa phương.

Từ ngày 2-4/6 chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014. Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), cả nước có trên 910.000 học sinh đăng ký dự thi tại trên 2.300 Hội đồng coi thi. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành các công việc chuẩn bị cho kỳ thi này.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), Phó Trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương năm 2014.

PV: Xin ông cho biết việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ GD-ĐT và các địa phương được triển khai như thế nào?

PGS.TS Mai Văn Trinh:  Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, từ sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cho đến các địa phương đã cơ bản hoàn tất ở tất cả các khâu chuẩn bị. Về phía Bộ thì đã ban hành Quy chế thi, các công văn hướng dẫn tổ chức thi, các công văn hướng dẫn kế hoạch ôn tập rồi tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi… Bộ cũng đã cử các đoàn thanh tra, kiểm tra để kịp thời nắm bắt tình hình và hỗ trợ các địa phương để xử lý những vấn đề cần thiết. Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các địa phương đã họp và triển khai những phương án hết sức cụ thể cho công tác này. Đặc biệt là về việc lịch thi, phần mềm in phiếu báo thi cho học sinh ở đó nêu rất rõ lịch thi của các em, phòng thi ở đâu, thời gian thi như thế nào để các em hoàn toàn chủ động. Công tác in sao đề thi diễn ra đúng quy trình, bảo mật tuyệt đối và đúng tiến độ, phục vụ tốt nhất cho kỳ thi.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có buổi thi gồm 2 ca (ảnh minh họa)

PV: Qua công tác kiểm tra của Bộ, các trường có gặp khó khăn gì trong việc triển khai kỳ thi này hay không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có một số điểm mới. Bộ GD-ĐT cùng các địa phương, các trường THPT chủ động vào cuộc để lập phương án tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất. Các địa phương có nhiều việc làm sáng tạo, đã tính toán đến những phương án nhỏ nhất để làm sao bảo đảm là kỳ thi diễn ra trật tự, an toàn, đặc biệt là với những buổi thi có 2 ca thi, những học sinh thi ở ca 2 đến sớm thì sẽ có một vùng đệm bảo đảm là các em được có chỗ nghỉ ngơi, không gây mất trật tự trong phòng thi. Nhiều Sở GD-ĐT tổ chức thi thử, thực hiện đúng theo lịch trình, theo quy trình như kỳ thi chính thức để rút kinh nghiệm. Cũng từ việc thi thử như thế, các địa phương cũng rút ra những phương án cụ thể để khắc phục những khó khăn có thể xảy ra trong việc tổ chức 1 buổi thi 2 ca.   

PV: Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, Bộ GD-ĐT có những giải pháp gì để đảm bảo tính an toàn nghiêm túc trong các buổi thi, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm những năm trước để đề xuất các giải pháp thực tế và khả thi với hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình. Đặc biệt là tập trung quán triệt quy chế thi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của kỳ thi, nhất là những điểm mới trong kỳ thi năm nay đến cho học sinh, cho giáo viên và thậm chí là phụ huynh. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ coi thi cho cán bộ giáo viên , tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội liên quan để bảo đảm an ninh, an toàn trong trường thi. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra trước trong và sau kỳ thi, đặc biệt là trong quá trình tổ chức thi thì Bộ sẽ thành lập 11 đoàn thanh tra coi thi đến thanh tra, giám sát liên tục tại tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài 11 đoàn thanh tra, Ban chỉ đạo thi thành lập các đoàn kiểm tra, đi kiểm tra đột xuất không báo trước tới các Hội đồng thi ở các địa phương.

PV: Ông có lời khuyên nào cho các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Các em học sinh hãy bình tĩnh, tích cực ôn tập, chuẩn bị tốt kể cả về kiến thức kỹ năng và sức khỏe, không tự gây áp lực để làm bài thi với kết quả tốt nhất. Các em cần phải đọc kỹ đề, suy nghĩ cẩn thận trước khi làm bài, thực hiện đúng quy chế thi, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm quy chế thi để dẫn tới việc phải xử lý trong kỳ thi, đặc biệt những lỗi như là mang điện thoại di động vào phòng thi, rồi nhìn bài của nhau.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên