Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Bộ Giáo dục Đào tạo gặp mặt, biểu dương các Nhà giáo Nhân dân

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân mong các thầy cô trong toàn ngành tích cực tham gia cuộc vận động lớn hiện nay “Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”, bằng sự tận tuỵ với nghề miệt mài sáng tạo để dạy học hiệu quả hơn

Tối 19/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức kỷ niệm 26 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, gặp mặt, biểu dương 65 Nhà giáo Nhân dân (NGND) đang công tác tại các đơn vị thuộc ngành công an, quân đội, y tế và các trường đại học tại Hà Nội.

Tại buổi lễ, Bộ Giáo dục Đào tạo đã công bố quyết định và tôn vinh 6 cán bộ cơ quan Bộ Giáo dục Đào tạo vừa được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2008, trong đó có 1 NGND là thầy Lê Hải Châu, Vụ Trung học phổ thông.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng hơn một triệu thầy cô trong cả nước nhân Ngày 20/11, mong các thầy cô mạnh khoẻ, có thêm nhiều sáng kiến, trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã chia sẻ với các NGND về các thành tựu toàn ngành đạt được thời gian qua. Phó Thủ tướng cho biết: Năm nay, Chủ tịch nước đã quyết định tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cho 917 thầy cô. Trong số 101 NGND năm 2008 có 48 thầy cô là thế hệ nhà giáo cách mạng rất xứng đáng nhưng vì nhiều lý do hoàn cảnh để lại chưa đủ các thủ tục: danh hiệu chiến sĩ thi đua, số huy hương,… đã được đề nghị xét thưởng đặc cách. Phó Thủ tướng mong các thầy cô trong toàn ngành tích cực tham gia cuộc vận động lớn hiện nay “Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”, bằng sự tận tuỵ với nghề miệt mài sáng tạo để dạy học hiệu quả hơn, để các em học sinh nhanh chóng trưởng thành, trở thành công dân tốt của nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục đào tạo đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 12 cán bộ thuộc Bộ Công an và báo Nhân dân.

** Phú Yên: Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, từ ngày 19/11, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã về các trường thăm hỏi và chúc mừng thầy, cô giáo. Ông Đào Tấn Lộc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên đã thăm các trường: Đại học Phú Yên, Cao đẳng xây dựng số 3, Cao đẳng công nghiệp Tuy Hoà, Học viện ngân hàng-Phân viện tại Phú Yên và Trường chính trị tỉnh.

Tại những nơi đến thăm, ông Đào Tấn Lộc đã nêu lên những yêu cầu mới đối với lãnh đạo nhà trường trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhằm phục vụ tốt sự nghiệp cách mạng. Ông Đào Tấn Lộc đề nghị nhà trường cần đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên tiếp cận nhanh với Internet và từ nay tất cả trưởng, phó khoa trở lên sẽ được Ban thường vụ tỉnh uỷ triệu tập tham dự các lớp học tập, nghiên cứu các nghị quyết, nghe báo cáo thời sự để tiếp cận nhanh thông tin phục vụ việc giảng dạy.

** Tối 19/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải phóng, Công ty Prudential Việt Nam đã phối hợp tổ chức trao giải thưởng Võ Trường Toản cho 30 giáo viên xuất sắc của thành phố. Đây là giải thưởng truyền thống của ngành giáo dục được tổ chức vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm (từ năm 1998 đến nay), nhằm tôn vinh các nhà giáo có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Các nhà giáo được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản đều là những người cống hiến nhiều năm cho ngành giáo dục, như: cô Đỗ Thị Ngọc Thuý (trường THCS Phan Tây Hồ - Q. Gò Vấp) với 33 năm dạy môn Giáo dục công dân; cô Nguyễn Thị Liên Quân (trường Tiểu học Nam Kỳ Khởi nghĩa - H. Hóc Môn) với trên 30 năm dìu dắt học sinh tiểu học; thầy Nguyễn Ngọc Điệp (trường THCS Nguyễn Hữu Thọ - Q.7) hơn 20 năm dạy môn tiếng Anh…

Năm 2009 bắt đầu đưa thầy cô dạy học vùng khó khăn về nơi thuận lợi hơn

“Bắt đầu từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh đưa các thầy cô giáo đã dạy học từ 10 năm trở lên, rồi 5 năm trở lên ở các vùng rất khó khăn được trở về công tác ở nơi thuận lợi hơn, nếu có nguyện vọng”. Đó là một nội dung được ghi rõ trong Thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân gửi tới các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm 26 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008.

Trong thư, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích, hay rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội. Chúng ta rất day dứt khi hàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự không công bằng để đem cái chữ, ánh sáng cuộc đời cho các em học sinh người dân tộc, các gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bắt đầu từ năm học này, toàn ngành giáo dục phát động phong trào quyên góp hàng năm, vào mỗi mùa hè, để có sách vở, đồ dùng học tập và quần áo cho học sinh vùng miền núi, vùng khó khăn. Nhà nước đã cam kết không để dân đói, ngành giáo dục sẽ bằng nỗ lực của mình và vận động xã hội để các em đủ sách vở, đủ quần áo”.

Bức thư nêu rõ những việc làm và chuyển động của ngành giáo dục thời gian gần đây như: Cuộc vận động “Hai không” đang đi vào đời sống; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội với hơn 500 thoả thuận, hợp đồng đào tạo giữa các doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đã được ký kết, có những hợp đồng có giá trị trong thời hạn 10 năm, đào tạo hàng nghìn lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp. Gần 800.000 sinh viên, học sinh đã được vay hơn 5.000 tỷ đồng để học lên cao. Từ năm học 2008-2009 cho phép tất cả các trường phổ thông của cả nước kết nối và sử dụng Internet miễn phí để hiện đại hoá việc dạy và học, việc quản lý nhà trường;…

Phó Thủ tướng kêu gọi: Cuộc vận động “Hai không” là cuộc vận động của ngành và cả xã hội để tái tạo môi trường sư phạm lành mạnh, làm nền tảng cho đổi mới giáo dục. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là nhằm khẳng định vị trí quyết định của người thầy, của hơn một triệu thầy cô giáo là đầu tầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục hôm nay. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp triển khai là cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm để giáo dục toàn diện đạo đức, nhân cách cho học sinh Việt Nam. Đó chính là sự cụ thể hoá đòi hỏi thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong giáo dục hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên