Bộ KH&CN đặt ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu chip bán dẫn
VOV.VN - Bộ KH&CN thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn trước mắt là ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu về chip bán dẫn.
Chia sẻ tại một hội thảo gần đây về công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái cho biết, các nhà quản lý cũng như giới chuyên môn hiện tạm thời định hình rõ thực trạng nền công nghiệp chip bán dẫn Việt Nam. Các câu hỏi như Việt Nam đã chạm tay vào sản xuất được chip bán dẫn chưa? Liệu thế giới có đang trao cho Việt Nam cơ hội đầu mối phát triển chip bán dẫn ở thế giới, ở khu vực... đã có câu trả lời.
“Trong chuỗi quy trình công nghệ chip bán dẫn, về sản xuất, Việt Nam chưa có sản xuất mà mới đang tham gia thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Nguyên liệu sản xuất chúng ta cũng chưa có. Giá trị gia tăng mà chúng ta đạt được trong lĩnh vực này là thấp. Nguồn nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu, mặc dù đội ngũ kỹ sư thì có”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Thái nêu thực trạng.
Hỗ trợ đào tạo thông qua tài trợ các đề tài nghiên cứu
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Thái, nếu cứ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) Việt Nam không bao giờ làm chủ công nghệ. Sẽ mãi mãi ở vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng thấp và có thu nhập thấp, không phát triển được.
“Tất nhiên, phải thấy FDI là rất quan trọng với Việt Nam. Chúng ta sẽ phải dựa vào họ để học hỏi, để làm chủ công nghệ. Nhưng chúng ta phải đi cùng họ, thì mới tham gia được”, Thứ trưởng Bộ KH&CN lưu ý.
Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng thấp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện nay có lỗi từ cơ chế chính sách phát triển chưa có sự rõ ràng. Các doanh nghiệp như Viettel, hoặc các trường đại học cũng đã bắt đầu có những kế hoạch để thay đổi tình hình. Nhưng sự kết nối để tạo nên hệ sinh thái là chưa đầy đủ. Hệ sinh thái đó phải bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước, tiếp theo là từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Rồi từ khối doanh nghiệp, cuối cùng là từ các nhà khoa học và người dân.
“Bộ KH&CN định hướng về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về công nghệ. Chiến lược sản xuất là Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn kêu gọi kết nối FDI và từng bước cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, chính là vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi với nhau, thống nhất để có chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm.
Liên quan tới đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, Bộ KH&CN không được phép cấp kinh phí đào tạo, đơn cử như việc cấp học bổng cũng không được. Nhưng Bộ KH&CN cũng sẽ tính để có trách nhiệm với vấn đề này, chẳng hạn có thể hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu.
“Bộ KH&CN sẽ định hướng đề tài quốc gia, đề tài cấp bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là một hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho các thạc sĩ, nghiên cứu sinh có được sự hỗ trợ về nghiên cứu, tham gia vào nghiên cứu”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Thái khẳng định.
Một hướng tháo gỡ khác, để góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao, là dành kinh phí cử cán bộ đi nước ngoài để học hỏi. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) hiện có chính sách ưu tiên cử cán bộ trẻ đi làm nghiên cứu ở nước ngoài.
“Vừa qua, lãnh đạo Bộ KH&CN đã yêu cầu ban điều hành quỹ mỗi năm xác định 5 lĩnh vực ưu tiên, từ nay bên cạnh các lĩnh vực như y học, gen…, sẽ ưu tiên vi mạch bán dẫn. Đây là cái thiếu trong trong những năm vừa qua”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Thái nhìn nhận.
“Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ ưu tiên các nhóm nghiên cứu trẻ. Một tiến sĩ có đề tài 5 năm, chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lương cho 3 cán bộ. Mức lương có thể không được cao, nhưng đủ để các nhà khoa học sống. Nhân dịp này, các đơn vị cần tìm cách kéo các chuyên gia quốc gia, quốc tế vào các đề tài nghiên cứu. Hãy có đề án, Bộ KH-CN sẽ có cơ chế để hỗ trợ”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nêu rõ.
Mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển trí tuệ nhân tạo và bán dẫn tại Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tiếp đón những chuyến thăm của những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Gần đây nhất, ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) đến Việt Nam ký kết hợp tác với doanh nghiệp lớn của Việt Nam về nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn, sau chuyến thăm của Chủ tịch Nvidia Jensen Huang.
Làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Nvidia Keith Strier nêu rõ mục tiêu của chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm hiện thực hóa các cam kết hợp tác về trí tuệ và bán dẫn được đưa ra hồi tháng 12/2023, giữa Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam và ông Jensen Huang.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng hoan nghênh các đề xuất hợp tác của đại diện Nvidia tại thị trường Việt Nam. Bộ trưởng cho biết: Chính phủ Việt Nam coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo là giải pháp hữu hiệu để công nghệ này đi vào mọi mặt của cuộc sống, nâng cao hiệu quả làm việc cũng như chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.
Khẳng định tầm quan trọng và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã có năng lực đầu tư phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ, giải pháp về tri tuệ nhân tạo trong nước và quốc tế. Ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam cũng đang thu hút khá nhiều đầu tư FDI nước ngoài.
Nắm bắt cơ hội này, Nvidia hãy mạnh dạn đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển mạnh mẽ thị trường tiềm năng này. Bộ TT&TT luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ để doanh nghiệp hai nước có môi trường thuận lợi mở rộng đầu tư, phát triển tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.
Hai bên đã trao đổi về các khả năng hợp tác xây dựng các Trung tâm siêu tính toán tại Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn, hợp tác phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI, hợp tác chuyển một phần sản xuất thiết bị của Nvidia sang Việt Nam, hợp tác xây dựng các tiêu chuẩn cho trung tâm dữ liệu (DC).
Đặc biệt, hai bên đã nhất trí cùng hợp tác thành lập một Khoa đào tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với sự hỗ trợ về chương trình đào tạo, tài liệu và chuyên gia của Nvidia.