Bộ luật Lao động sửa đổi quy định rõ hơn về đình công

Tại Điều 211, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định rõ: Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong dự thảo Bộ luật chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về giải quyết tranh chấp lao động đã được sắp xếp, chỉnh lý, quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các chủ thể chịu trách nhiệm trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành đình công, giải quyết đình công…

Dự thảo Bộ luật Lao động quy định: Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản (Ảnh minh họa)

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng làm rõ các nội dung: Quy định thẩm quyền của cá nhân, cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm hòa giải viên lao động và tòa án. Quy định trình tự thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động. Quy định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Đối với vấn đề đình công và giải quyết đình công, khái niệm đình công đã được chỉnh lý theo hướng bao quát hơn và khẳng định chỉ cho phép tiến hành đình công đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (Điều 211).

Theo đó, tại khoản 3, Điều 208, quy định: Sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 3 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Điều 220 của dự thảo Bộ Luật cũng quy định, người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động trừ trường hợp người sử dụng lao động đóng cửa tạm thời doanh nghiệp.

Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn

Trong giải quyết tranh chấp lao động và đình công, công đoàn và hòa giải viên lao động đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động theo pháp luật, dự thảo Bộ luật đã bổ sung quy định khuyến khích các doanh nghiệp này lựa chọn một trong thỏa ước lao động tập thể tiến bộ có sẵn hoặc thỏa ước lao động tập thể ngành để thực hiện (Điều 89) và công đoàn cấp trên có vai trò hỗ trợ cho tập thể người lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.

Hướng đi này nhằm góp phần thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn của chính người lao động tại các doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình.

Việc xây dựng cơ chế hòa giải chuyên nghiệp để thực hiện chức năng hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, giảm thiểu cơ chế can thiệp hành chính trong giải quyết tranh chấp là công việc phải được tập trung mạnh mẽ hơn nhằm thay đổi cơ bản tình hình đình công không theo trình tự pháp luật vừa qua, phù hợp với phát triển của thị trường lao động.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau khi Bộ luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ và các cơ quan có liên quan, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phải tập trung đầu tư nguồn lực nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra lao động, hòa giải viên, trọng tài viên, cán bộ công đoàn các cấp nhất là cán bộ công đoàn cơ sở; thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp, hỗ trợ để cơ chế này vận hành thường xuyên tại cấp doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế của việc thực thi Bộ luật lao động hiện hành.

Đồng thời, phải chú trọng xây dựng và thúc đẩy hoạt động của các thiết chế khác trong quan hệ lao động như Ủy ban Quốc gia về quan hệ lao động, Hội đồng quốc gia về tiền lương, bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy để thực hiện chức năng của Nhà nước trong hỗ trợ quan hệ lao động cũng như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên