Bỏ tạm ứng viện phí: Bệnh nhân mừng, bệnh viện lo
(VOV) - Bộ Y tế vừa ban hành quy định, bệnh nhân khi nhập viện không phải tạm ứng viện phí.
Bộ Y tế đang cải tiến quy trình khám chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho bệnh nhân. Một trong những nét mới là người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ không phải nộp tạm ứng viện phí khi nhập viện, góp phần đảm bảo quyền được khám chữa bệnh của người dân. Trong khi đông đảo người bệnh vui mừng vì điều này thì các bệnh viện lại lo ngại rủi ro, thất thoát viện phí khi xảy ra tình trạng bệnh nhân bỏ trốn.
Chưa đóng tiền, chưa được nhập viện; đó là quy định bất thành văn mà hầu hết bệnh viện thực hiện từ khi được tự chủ về tài chính. Nhiều bệnh viện áp dụng quy định này trong mọi trường hợp một cách máy móc đã khiến không ít bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời, bệnh thêm nặng, thậm chí có trường hợp tử vong trước khi người nhà mang tiền đến. Cùng với những bức xúc do tình trạng quá tải bệnh viện gây ra thì vấn đề vừa nêu đã làm giảm sự hài lòng của bệnh nhân đối với nhiều cơ sở khám chữa bệnh…
Mới đây, Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện, giảm ít nhất bốn bước so với quy định hiện hành, trong đó đặc biệt là là đổi mới trong thu viện phí. Người bệnh khi nhập viện, chỉ cần nộp thẻ bảo hiểm y tế và sẽ không phải tạm ứng viện phí. Nét mới này được đông đảo người dân, nhất là người nghèo ủng hộ.
Bà Phan Thị Minh ở xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh nói: “Nếu thực hiện không thu tạm ứng viện phí sẽ giúp rất nhiều cho người dân nghèo chúng tôi. Hiện nay chưa có chủ trương này, tôi đưa con hay chồng đi viện đều phải lo chạy vạy khắp nơi mới dám đưa được đi viện, đến nơi thì bệnh đã nặng rồi”.
Thu tạm ứng viện phí như hiện nay vừa mất thời gian vừa không thông thoáng, khiến người dân rất phàn nàn. Theo nhiều chuyên gia về pháp luật, bỏ thu tạm ứng viện phí là góp phần đảm bảo quyền được khám chữa bệnh của người dân, nằm trong những quyền được sống của mọi người.
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng: “Việt Nam có tai nạn giao thông rất nhiều, bị thương, nhập viện nhưng không có tiền và đợi người nhà đến thì đã tử vong. Đó là liên quan đến quyền được sống, tức là khi bị thương, đã đưa vào bệnh viện là phải được cứu chữa dù bất kỳ lý do gì. Ở các nước phát triển họ đã làm được điều đó vì người ta có quỹ, nếu bệnh nhân không có tiền thì Nhà nước sẽ bỏ ra”.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo bệnh viện lại cho rằng nếu thực hiện quy định mới, bệnh viện không còn được “nắm đằng chuôi” sẽ dễ xảy ra rủi ro, bệnh nhân bỏ trốn, gây thất thoát viện phí.
Ông Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp cho biết, chưa thực hiện quy định mới mà mỗi năm bệnh viện đã phải trích quỹ phúc lợi hàng chục triệu đồng hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo và luôn đứng trước nguy cơ thu không đủ chi. Nếu thực hiện quy định mới, sẽ dễ dẫn đến thua lỗ.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thì vẫn có thể thực hiện được quy định mới nếu bảo hiểm chi trả khi có rủi ro: “Nếu thực hiện theo quy trình mới vẫn làm được, nhưng phải thống nhất sau này bảo hiểm phải thanh toán cho chúng tôi. Nhiều năm qua chúng tôi xây dựng được quỹ, hỗ trợ bệnh nhân nghèo khi họ không có đủ tiền trả viện phí. Chúng tôi không nói trước với bệnh nhân, sợ họ lợi dụng. Chúng tôi cứ điều trị, nếu họ trình bày khó khăn, mà các y bác sỹ thấy trong quá trình điều trị họ thực sự khó khăn thì đề nghị Hội đồng quỹ sẽ họp và quyết định”.
Nếu bỏ thu tạm ứng viện phí, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện và quỹ bảo hiểm y tế. Nhưng nếu chậm thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nước ta đang trong quá trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân và quỹ bảo hiểm y tế mấy năm gần đây đã có kết dư. Đây là cơ sở để thực hiện được quy định mới nhưng cũng đòi hỏi ngành y tế và bảo hiểm xã hội có những hướng dẫn và quy định cụ thể, tránh tình trạng lạm dụng kẽ hở để trốn đóng viện phí./.